Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM: 30 năm một chặng đường phát triển
SGGPO
Qua 30 năm hình thành và phát triển (06-03-1992 – 06-03-2022), Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM đã từng bước khẳng định vai trò của mình, hoàn thành tốt chức năng tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia, đào tạo tài năng thể thao. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thành tích các đội tuyển quốc gia tại các đấu trường như SEA Games, Asiad, Olympic…
Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TPHCM (tiền thân là Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 2) được thành lập vào ngày 06-03-1992, là đơn vị trực thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao. Hiện nay, ngoài cơ sở chính tại TPHCM, trung tâm còn có cơ sở 2 tại Mũi Né (Bình Thuận) với diện tích 8ha bao gồm các khu nhà nghỉ, nhà tập và sân tập các môn bóng ngoài trời; cơ sở 3 tại Đà Lạt với diện tích 10,3ha đang trong quá trình xây dựng (dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2022).
Trung tâm HLTTQG TPHCM có bộ máy nhân sự gồm 1 Giám đốc, 2 Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, 38 biên chế, 21 nhân viên hợp đồng với 5 phòng, ban (phòng Hành chính, Tổng hợp; phòng Quản lý huấn luyện - Công tác chính trị; phòng Khoa học và Y học thể thao; phòng Quản lý nhà nghỉ và nuôi dưỡng VĐV; ban Quản lý cơ sở 2 tại Mũi Né).
Trung tâm HLTTQG TPHCM - Đại bản doanh của các đội tuyển quốc gia phía Nam.
Từ đầu năm 2022, Trung tâm HLTTQG TPHCM là nơi quản lý, sinh hoạt tập luyện, tập huấn của 37 đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển thể thao người khuyết tật. Cụ thể, 26 đội tuyển (1 chuyên gia, 77 huấn luyện viên, 290 vận động viên), 9 đội tuyển trẻ (30 huấn luyện viên, 128 vận động viên) và 2 đội thể thao người khuyết tật (3 huấn luyện viên, 13 vận động viên).
Trải qua 30 năm phát triển, nhiều HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc đã trưởng thành từ môi trường đào tạo tại trung tâm. Qua các đấu trường SEA Games, Asiad, Olympic hay các giải đấu quốc tế khác, các tuyển thủ tham dự và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
PGS.TS Đặng Hà Việt từng có thời gian giữ vai trò Giám đốc Trung tâm HLTTQG TPHCM.
Điển hình, trong năm 2021 vừa qua, những VĐV xuất sắc của trung tâm như Nguyễn Văn Đương (boxing), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) đã góp mặt ở Olympic Tokyo 2020. Ngoài ra, 4 gương mặt thể thao người khuyết tật đã tham dự Paralympic Tokyo 2020 là Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh).
Những thành tích nổi bật trong năm 2021 phải kể đến 2 tấm HCB của VĐV Lê Văn Công tại Paralympic Tokyo 2020 và giải cử tạ Vô địch thế giới; đội tuyển Muay giành được 2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ tại giải Vô địch thế giới; đội futsal nam tham dự vòng chung kết World Cup tại Lithuania, xuất sắc vượt qua vòng bảng và dừng chân ở vòng 1/8…
Giám đốc Trung tâm HLTTQG TPHCM Võ Quốc Thắng.
Trong năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trung tâm đã nỗ lực thích nghi, từng bước vượt qua trở ngại để tiếp tục đóp góp cho thể thao nước nhà. Để bảo đảm mạch đào tạo, huấn luyện VĐV không bị ngắt quãng trong thời gian dịch bệnh hoành hành, Trung tâm HLTTQG TPHCM đã nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe, vừa duy trì tập luyện.
Ngoài ra, để tăng sức đề kháng cho các VĐV, thực đơn các bữa ăn theo chế độ dinh dưỡng của từng bộ môn được chú trọng. Về cơ sở vật chất, trung tâm đã hoàn thành cải tạo và sửa chữa 100 phòng nghỉ VĐV; cải tạo mặt sân và khuôn viên sân điền kinh đạt chuẩn; cải tạo trung tâm hồi phục cho VĐV…
Các tuyển thủ ăn trưa tại bếp ăn của Trung tâm HLTTQG TPHCM.
Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm đã được Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Trung tâm HLTTQG TPHCM vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển đơn vị giai đoạn 2016-2021.