Trung ngôn nghịch nhĩ

V-League 2017 chỉ có 2 thầy ngoại Petrovic (Thanh Hoá) và Alain Fiard (TPHCM) làm việc nhưng đều đã thể hiện mình, được giới chuyên môn lẫn đồng nghiệp dành cho nhiều lời khen tặng.

Mới nhất là HLV Lê Huỳnh Đức và Trương Việt Hoàng có những đánh giá cao nhờ năng lực cầm quân của 2 người. Song, chiến lược gia gốc Nam Tư (cũ) và Pháp vẫn không lấy đó làm hào hứng mà còn sẵn sàng chỉ ra nhiều điểm yếu chết người của V-League.

Phần lớn các CLB V-League đều dựa vào ngoại binh. Ảnh: Minh Hoàng

Người hùng cúp C1 châu Âu Petrovic hồi năm 1991 đã thẳng thắn: “Bóng đá Việt Nam chơi mất bình tĩnh, chủ yếu phá bóng, không thi đấu nhịp nhàng, uyển chuyển. Có cầm và kiểm soát quả bóng thì đó mới là bóng đá”. Cách nói của cựu HLV Sao đỏ Belgrade chẳng khác nào xem V-League chưa phải là giải đấu chất lượng cao. Theo đó, nhà cầm quân ngoại Alain Fiard cũng chỉ ra: “Tôi thấy các cầu thủ chơi bóng phụ thuộc vào ngoại binh. Phần đông các đội không thể hiện được nhiều về mặt chiến thuật. Gần như chỉ sử dụng các đường chuyền vượt tuyến hướng đến những tiền đạo ngoại ở trên mà ít thông qua hàng tiền vệ”. 

Cả 2 đều chỉ ra điểm hạn chế của cầu thủ nội là quá dựa dẫm vào cầu thủ ngoại và lấy sở đoản sức khỏe ra phung phí, thay vì giữ bóng để phối hợp.

Lối phát biểu của 2 nhà cầm quân xuất thân từ Đông và Tây Âu gần giống với chuyên gia người Nhật Tanaka Koji trước đây. Hồi đấy, với cương vị Trưởng giải V-League, ông Koji từng đưa ra một thống kê gây sốc là cầu thủ Việt Nam chỉ chạy 5-6km trong một trận đấu, thấp hơn con số 8-10km/trận của các giải bóng đá chuyên nghiệp khác của châu lục. Cầu thủ của nhiều CLB chỉ phân phối sức cho 70 phút, thời gian còn lại gần như đi bộ trên sân. Đó được xem là một trong những điều lý giải vì sao bóng đá Việt chậm phát triển.

Về phía cựu HLV trưởng đội tuyển quốc gia Toshiya Miura đã không ít lần thẳng thừng chê V-League, nhất là công tác y tế, yếu tố thể lực, sức bền, khiến các cầu thủ không có được thể trạng tốt nhất khi lên tuyển.

Chuyện người ngoài nói thẳng về giải đấu lớn nhất nước có thể khiến không ít người phiền lòng, nhất là trong nền văn hóa vốn quen “nhìn trước ngó sau” khi phát ngôn của người Việt. Thế nhưng, cũng cần hiểu thầy ngoại giỏi chuyên môn, có góc nhìn khách quan, không ngại va chạm đáng cho các nhà làm bóng đá xem lại “sản phẩm” do mình tạo ra.

Chỉ 2/14 HLV là người ngoại quốc nhưng cả 2 không ngại đụng chạm thật ra cũng vì muốn giải đấu tốt hơn. Chẳng như ở ta nhiều nhà cầm quân nội cứ thích khen lấy khen để, hoặc muốn nghe lời có cánh, còn tính cách như ông Lê Thụy Hải thì lại không ưa.

Hai nhà cầm quân trẻ Lê Huỳnh Đức và Trương Việt Hoàng khen thầy ngoại mới rồi được xem là hành động cầu thị. Điều này thì các nhà làm chuyên môn, các HLV khác cũng cần suy ngẫm, thay vì bực tức do bị điểm trúng huyệt của mình.

KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục