
Đầu xuân cũng là thời điểm vào mùa lễ hội ở khu vực đồng bằng Bắc bộ. Đầu xuân mới, người người “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” ngược xuôi hớn hở đi trẩy hội từ lâu đã trở thành nét văn hóa của người Việt...
Mùng 5 ghé hội Đống Đa...
Như thông lệ, lễ hội gò Đống Đa lại được tổ chức vào ngày mùng 5 tết nhằm kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Vì thế, từ tờ mờ sáng, trong cái rét căm căm, nhưng hàng ngàn người từ khắp nơi đã đổ về đây dự hội tạo nên bầu không khí rất tập nập.
Hội gò Đống Đa như thường lệ có rất nhiều hoạt động văn hoá, thể thao như dâng hương, tế lễ, đặc biệt màn múa rồng, múa lân khiến cho lễ hội thêm huyên náo. Màn biểu diễn võ thuật “Tinh thần trống trận Quang Trung” của đông đảo các võ sư và võ sinh Hà Nội đã tái hiện khúc khải hoàn hoành tráng của Hoàng Đế Quang Trung hơn 200 năm trước.
Giống như nhiều lễ hội truyền thống khác, tại gò Đống Đa có những màn hát quan họ giao duyên, thi đấu cờ người dành cho người lớn, nhiều trò chơi dân gian cho con trẻ tạo bầu không khí tấp nập.
... Rồi qua Mai Động xem vật đầu xuân
Cũng trong ngày mùng 5, hội vật Mai Động (Hà Nội) lại thúc trống mời gọi trai tài đất Kinh Bắc về đọ sức. Dù Đình làng Mai Động đang được trùng tu nhằm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội còn rất bộn bề, song, BTC địa phương vẫn dành một khoảng sân rộng tổ chức sới vật và đông đảo con cháu của làng vẫn nhớ ngày hội truyền thống này mà đổ về.

Một trận đấu vật tại lễ hội đầu xuân 2010 ở khu vực phía Bắc. Ảnh: Quang Thắng
Ngày 5, đô Đức của đất Cổ Loa đã giành giải nhất, và theo tục lệ sẽ được đánh lên để tranh chức vô địch. Trận chung kết, đô Đức rắn chắc, nhưng chỉ nặng hơn 60kg đã gặp đô “Mập” lực lưỡng to gần gấp đôi.
Trận đấu tưởng như không cân sức, đô Đức phần đã đuối sức sau 2 ngày quần thảo liên tục (loại gần chục đối thủ) đã loay hoay mãi mà không thể quật được đô “Mập” đứng sừng sững giữa sới vật.
Khi khán giả đã đoán chắc phần thắng về phía đô “Mập” thì bất ngờ đã xảy ra, bằng một miếng đánh mượn sức, đô Đức đã đè tuyệt đối đô “Mập” trong tiếng reo hò cỗ vũ của hàng ngàn cổ động viên chen lấn nhau ở sân đình xem vật. Mặc dù BTC địa phương chỉ thưởng cho giải nhất 2 triệu đồng, nhưng đông đảo người hâm mộ đã “thưởng nóng” cho đô Đức số tiền hơn 4 triệu đồng.
Làm lễ tế tại Đình làng, đô Đức cho biết, sau 2 ngày vất vả, anh cũng thu được gần chục triệu đồng, cao hơn năm ngoái khi anh cũng đã giành giải nhất. Đô Đức cho biết thêm, sang năm đến hội anh sẽ quay lại để bảo vệ ngôi đầu.
Tương truyền, Mai Động từng được Đô úy Tam Trinh lập trang ấp, khẩn hoang để phát triển đất canh tác, dạy chữ, luyện võ, rèn quân đánh đuổi quân Hán xâm lược thời Hai Bà Trưng.
Những năm trước, lò vật làng Mai từng là nơi đào tạo nhiều đô vật tên tuổi, nhưng do nhiều yếu tố, hiện nay, làng vật Mai Động dần mai một dù vẫn đang cố gây dựng lại truyền thống vật từ nhiều đời trước. Và dù làng không còn những đô vật tên tuổi, nhưng hội vật vẫn luôn được tổ chức hằng năm như một cách giữ lửa cho cho đời sau.
Hội xuân ở Đồng Kỵ
Trước đây, hội thi pháo nổ ở Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) luôn thu hút đông đảo người hâm mộ từ Hà Nội đi hơn 20 cây số tới chiêm ngưỡng và… bịt tai nghe pháo. Quả pháo nổ ở đây dài đến 3 mét, đường kính chừng 0,6m được trang trí rồng phượng rất bắt mắt.
Tục truyền, lễ rước pháo từ nơi sản xuất đến nơi đốt phải đi đường thẳng, người khênh phải lội ruộng, bắc cầu để mang pháo tới hội. Mỗi quả pháo nổ khoét cả một cái hố lớn trên mặt ruộng, xác pháo bay xa cả trăm thước. Nhưng từ khi nhà nước cấm sản xuất và đốt pháo, hội thi pháo ở Đồng Kỵ cũng chấm dứt.
Tuy nhiên, lễ rước pháo vẫn được duy trì qua các trục đường chính.
Đồng Kỵ nổi tiếng cả nước và ra cả nước ngoài với nghề mộc chạm trổ tinh vi, sắc nét. Những ngôi nhà giữa làng Đồng Kỵ bây giờ có giá cả chục tỷ đồng, nghề buôn gỗ, các phụ liệu ngành mộc phát triển, đời sống khấm khá, người dân càng chú trọng tới lễ hội truyền thống.

Một trận đấu bóng chuyền nữ ở làng Đồng Kỵ.
Năm nay, hội xuân Đồng Kỵ được tổ chức trong ngày 6 với nhiều hoạt động thể thao như đấu vật, cầu lông và bóng chuyền. Chỉ tiếc trong danh sách các VĐV bóng chuyền nghiệp dư cấp làng xã lại thấy thấp thoáng cả những VĐV đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Một vị làm văn hóa, thể thao quần chúng lâu năm ở đây có vẻ bức xúc bày tỏ: “Đấy là bệnh của nhà giàu, vì có tiền, muốn có được chút thành tích lấy lộc đầu xuân họ đã thuê cả VĐV chuyên nghiệp vào thi đấu”.
Ngày xuân, ghé thăm một số hội xuân ở đất Thăng Long để thấy trong đó cái hồn dân tộc của người Việt vẫn còn được lưu truyền và gìn giữ cho muôn đời sau.
MINH NGUYỆT (SGGP Thể Thao)