1 triệu lượt mua PPV, thu về 50 triệu USD
Bất chấp một số luận điểm cho rằng: “Đây chỉ là cuộc biểu diễn xiếc của gánh hát”, hoặc: “Đây chính là cuộc ẩu đả giữa 2 gã da màu lớn tuổi trong một buổi tiệc nướng barbecue”, trận giao hữu - biểu diễn giữa Tyson và Jones vẫn thu về 50 triệu USD tiền bán bản quyền PPV. Ước tính, có hơn 1 triệu lượt đặt mua PPV để xem những huyền thoại, thần tượng từ thời xa xưa thượng đài. 50 triệu USD là mức doanh thu cao nhất năm 2020 trong làng quyền Anh.
Con số này, vẫn chỉ tính riêng trên lãnh thổ nước Mỹ, nơi mà theo như Dan Raphael trích dẫn, cụ thể có 1,2 triệu lượt mua và đăng ký trả tiền theo dạng PPV để xem trận đấu này. Tuy vậy, nguồn tin thân cận với BTC trận đấu cho biết, lượt mua PPV để xem trận đấu tại sàn đài Staples Center (của thành phố Los Angeles) vào tối hôm 28-11 thậm chí còn cao hơn. Lượt mua này đương nhiên không thể nào đánh đồng với lượt người xem, vì có nhiều lượt mua để trình chiếu trong các quán bar, các địa điểm công cộng, thu hút đông đảo NHM đến theo dõi.
Đêm 28-11, dù không thể tạo ra “cơn sốt khắp toàn cầu” như “Trận chiến kim tiền” giữa Floyd Mayweather và “Gã điên Ailen” Conor McGregor hồi 3 năm về trước, nhưng các CĐV hâm mộ quyền Anh trên toàn thế giới có thể theo dõi diễn biến trận “Tyson vs Jones” thông qua hàng hà sa số những kênh xem khác nhau.
Từ các nền tảng truyền hình tuyến tính, qua các vệ tinh, đến các nền tảng bán hàng trực tuyến như là FITE TV, Triller hay REN TV ở Nga (ước tính có hơn 6 triệu người Nga xem trận đấu thông qua kênh này, cộng thêm 1,6 triệu người xem qua trang web của REN TV). Cứ một lượt mua PPV trị giá 49,95 USD, nhân với hàng triệu lượt mua, đủ hiểu BTC trận đấu này đã lời như thế nào, dù chưa tính đến doanh thu bán gần 19 ngàn vé vào cửa để xem trực tiếp trận đấu ở Staples Center…
Còn hiện tại, một bộ phận không nhỏ các CĐV đang đứng ra kêu gọi công bằng dành cho Tyson, họ yêu cầu phải có trận đấu “báo thù” dành cho Mike “thép” vì không đồng ý kết quả Ban trọng tài chấm điểm hòa. Phía Nga cũng muốn có một trận đấu có kết quả thắng - bại thật rõ ràng, dù đây chỉ là trận đấu giao hữu - biểu diễn vì mục đích từ thiện. Tổng Thư ký của Liên đoàn quyền Anh Nga sẵn sàng đứng ra giúp tổ chức “trận đấu báo thù” (mà ai báo thù ai thì… chưa biết), trong khi đó, Tổng thống của nước CH Chechnya (thuộc Nga), ông Ramzan Kadyrov, cũng “ướm lời” tổ chức trận tái đấu ngay ở thành phố Grozny.
Tyson chưa hề giải nghệ, đơn giản ông chỉ… nghỉ ngơi 15 năm
Xu hướng mà Tyson tạo ra trong những ngày này, chính là xu hướng mà ông từng gây sóng gió toàn thế giới hồi thập niên 1980-1990. Với những gì mà Tyson mang lại, một làn sóng đam mê quyền Anh mới, có vẻ như là ông chưa hề giải nghệ hồi năm 2005, đơn giản ông chỉ tìm nơi nào đó nghỉ ngơi, thư giãn, và khi bắt kịp lại nhịp sống hiện đại, thì ông nhanh chóng quay trở lại. Sự tái xuất của Tyson ngày hôm nay, không hiển hiện đình đám và trang trọng trên trang nhất những tờ báo giấy ngày xưa, nhưng nó chính là kết quả của sự bùng nổ mạng xã hội, của hiệu hứng tuyệt vời cho Youtube, Instagram... mang lại cho quyền Anh.
Người đứng ra tổ chức trận “Tyson vs Jones”, hóa ra không phải một ông bầu quyền Anh đình đám nào, càng không phải dân chuyên môn cựu quyền thủ hay là cựu võ sĩ, mà là một Youtuber rất nổi tiếng là Jack Paul, và một cựu cầu thủ bóng rổ NBA rất thông thạo mạng xã hội - anh Nate Robinson. Chính 2 người này cũng sắm vai “nhân vật phụ” trong sự kiện này khi có màn đối đầu nhau trên sàn đài trước khi Tyson và Jones xuất quyền. Kết quả, Paul đã đấm KO Nate ngay ở hiệp 2 của trận đấu diễn ra tại Staples Center.
Evander Holyfield, Lennox Lewis - Riddick Bowe bị cám giỗ quay trở lại…
Thành công của trận “Tyson vs Jones”, cả khoản tiền khổng lồ mà BTC trận đấu thu được từ việc bán bản quyền truyền hình PPV, đã khiến những huyền thoại một thời, những cựu quyền thủ “đã rửa tay gác kiếm từ đời tám hoánh" nóng ruột quay trở lại. Trên mạng xã hội, hàng loạt võ sĩ tên tuổi một thời như Holyfield, McCrory, mới nhất là Lewis, rồi cả Bowe đều thể hiện ước muốn xỏ lại găng tay ở độ tuổi 50-60, bất chấp nhiều người khuyên can…
Holyfield nói về khát khao được đấu với Tyson, dù rằng sau đó ông đã được “Quý ông” McCrory “book chỗ”: “Phần tôi luôn muốn thi đấu với Tyson, nhưng không nhận được gì ngoài những lời thoái thác. Giờ đây tôi đã hiểu tại sao ông ta muốn có một trận đấu trước khi nghĩ đến tôi. Roy Jones là một đối thủ tốt dành cho Mike, nhưng trận đối đầu với tôi sẽ là vấn đề lớn. Trận đấu duy nhất mà bất kỳ ai cũng muốn xem chính là trận đấu giữa chúng tôi (ám chỉ những ân oán sau 2 lần Holyfield đánh bại Tyson trong thì quá khứ). Vậy thì, không có lý do gì lý giải tại sao chúng tôi lại thể không tổ chức thi đấu trận đấu này!”.
Trong khi nhiều người cho rằng Holyfield ở độ tuổi 58 thậm chí còn ấn tượng hơn Tyson ở tuổi 54 (!??), một huyền thoại - cựu quyền thủ khác là Wladimir Klitschko đang tích cực liên hệ với cựu võ sĩ từng bị Tyson cắn tai. Nhưng có vẻ như, trước khi “thật sự sẵn sàng dành cho Tyson”, thì Holyfield cũng cần một trận đấu làm nóng, với McCrory chẳng hạn.
Giữa cái xu thế “người người tái xuất giang hồ, nhà nhà quay lại thi đấu”, thì một người như là Lewis - cựu võ sĩ người Anh từng giành HCV Olympic Seoul 1988, từng sưu tập mọi loại đai hạng nặng thế giới khi chuyển sang đánh quyền chuyên nghiệp, chỉ thiếu mỗi đai WBO, cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Lewis cũng muốn gặp lại Bowe…
“Hầu hết các võ sĩ quay trở lại sàn đài vì chán nản. Họ không còn việc gì để làm nên mới quyết định như vậy, nhưng tôi luôn cố gắng tránh né điều đó. Tuy nhiên, nếu điều này là chính xác thì tôi muốn quay lại sàn đài lần nữa - họ luôn nói với tôi rằng Riddick Bowe vẫn muốn đối đầu với tôi. Vì thế, tôi vẫn có công việc chưa hoàn thành. Những trận đấu giao hữu - biểu diễn có vẻ khá buồn cười với tôi. Nếu bạn nhìn vào Mike Tyson thì khác. Ông ấy luôn biết cách hành xử trong chuyện này, biết cách tạo nên tính giải trí”, Lewis nói.
Ân oán Lewis - Bowe, đáng để tái ngộ từ năm 1988
Khát khao mà Lewis muốn gặp lại Bowe, cũng giống y như khát khao Holyfield muốn tái ngộ Tyson vậy. Ở kỳ Thế vận hội tại Seoul hồi năm 1988, Lewis (khi đó còn đại diện cho màu áo của Canada) đã đánh bại Bowe ở trong trận chung kết tranh HCV hạng siêu nặng bằng KO kỹ thuật ở hiệp 2. Kết quả đó vẫn là chủ đề để bàn cãi đến tận ngày hôm nay.
Khi cả 2 chuyển sang chơi chuyên nghiệp, Bowe là người giành đai vô địch thế giới trước tiên, hồi năm 1992 - thắng chính Holyfield để sở hữu các đai WBA, WBC và IBF. Đúng 1 năm sau, Lewis giành đai WBC sau chiến thắng trước Tony Tucker. Ở thời điểm giới mộ điệu quyền Anh chuyên nghiệp mơ mộng về trận đấu “nhất thống giang hồ làng quyền hạng nặng” thật sự, biến cố đã xảy đến.
Thay vì chấp nhận tái ngộ và báo thù trận thua ở Olympic Seoul với Lewis, Bowe từ chối tranh tài, thay vào đó, ông ký hợp đồng tái chiến với Holyfield. Vì lý do này, WBC tuyên bố tước đai vô địch của Bowe, trao cho Lewis mà không cần giao đấu. Bowe phản ứng bằng cách tổ chức buổi họp báo và ngay trước “bàn dân thiên hạ”, ông ném đai WBC vào sọt rác, chỉ còn là nhà vô địch của WBA và IBF.
Bowe sau đó thua Holyfield và mất hết các đai vô địch của mình. Tuy vậy, sau này ông vẫn giành được đai WBO, thứ vinh quang mà Lewis không bao giờ có được. Trên mặt báo, rồi cả khi mặt đối mặt với nhau 2 người cãi nhau vài trận to nữa, nhưng chưa bao giờ tái ngộ kể từ sau trận chung kết tranh HCV ở hạng cân siêu nặng Quyền Anh tại Olympic 1988.
Toàn cảnh ân oán giữa Lewis và Bowe
“Các bạn biết đó, tôi vẫn cảm thấy không thích ông ta. Lý ra chúng tôi nên đối mặt trên sàn đài từ lâu rồi. Tôi đã đợi chờ cơ hội để đấu với ông ta từ rất lâu. Vì thế, tôi vẫn có thể phá rời và đấm rụng những gì còn lại từ gã rắm thối xưa cũ. Ông ta đơn giản chỉ chạy trốn khỏi tôi. Và sau đó tôi bắt đầu gọi ông ta là gà. Giờ đây, tôi vẫn gọi ông ta giống như vậy. Tôi đã mường tượng ta cuộc chiến của chúng tôi trong một thời gian dài. Nhưng trận đấu không bao giờ diễn ra. Còn Bowe vẫn mở cái mỏ nhọn hướng về phía tôi. Tôi nghĩ rằng nếu có dịp tôi gặp ông ta, tôi sẽ đá thẳng vào cái mỏ nhọn của ông ấy”, Lewis cho biết.
Năm 2021, biết đâu cơ hội đó sẽ xảy ra với Lewis…