Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt: Ngành thể thao rất bận rộn trong năm 2023

Ngay đầu năm mới 2023, SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt và nhận được những chia sẻ...
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt đã trao đổi cùng SGGP đầu năm mới. Ảnh: TDTT
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt đã trao đổi cùng SGGP đầu năm mới. Ảnh: TDTT

Phóng viên: - Xin chào Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt. Năm mới 2023 đã bắt đầu. Là một trong những nhà quản lý của ngành thể thao, xin ông có một chút chia sẻ chung về sự chuẩn bị của chúng ta ở năm nay?

Ông Đặng Hà Việt: - Năm nay, chúng ta có rất nhiều hoạt động quan trọng. Với thể thao quần chúng, thể thao cho mọi người thì ngành tiếp tục thực hiện chương trình tập luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại. Tiếp tới, các vấn đề về môn thể thao dân tộc để chúng ta tiếp tục bảo tồn cũng như một số vấn đề để nâng cấp lên. Hoạt động về vấn đề cứu đuối, việc phòng chống đuối nước không chỉ hướng vào dạy bơi mà còn nhiều kỹ năng cần trang bị cho các em nhỏ, học sinh. Bên cạnh đó, ngành sẽ tham mưu để không chỉ ban hành các Thông tư hướng dẫn nữa mà cần Quy chuẩn quốc gia đối với các môn thể thao mạo hiểm. Các vấn đề liên quan tới Nghị Quyết của Đảng và Chính phủ của lĩnh vực thể thao thì ngành sẽ thực hiện và ra các chủ trương, hiện thực hóa bằng chương trình, đơn cử như vấn đề về kinh tế thể thao đã được trao đổi và đề cập gần đây.

Về thể thao thành tích cao, chúng ta sẽ tập trung vào SEA Games 32. Chỉ tiêu của Bộ VH-TT-DL đưa ra cho Đoàn thể thao Việt Nam là nằm trong nhóm dẫn đầu. Chúng ta đã có SEA Games 31 thành công và giành nhiều huy chương từ nhóm môn, nội dung Olympic. Tại SEA Games 32 tới đây, nhiều nội dung Olympic không được đưa vào cũng như môn thể thao chúng ta có thế mạnh bị cắt bớt nội dung, giới hạn số lượng đăng kí. Với ASIAD 19, chỉ tiêu của chúng ta là từ 2 tới 5 HCV. Đấu trường này giành được HCV rất khó. Ngoài ra, lực lượng VĐV của nhiều đội tuyển thể thao quốc gia cũng sẽ tập trung cho giải vòng loại Olympic.

Phóng viên: - Với thể thao thành tích cao, chúng ta luôn có sự đầu tư vào danh sách VĐV trọng điểm. Năm nay, việc thực hiện đầu tư này sẽ như thế nào? Chúng ta từng đầu tư mạnh mẽ cho Ánh Viên để đi tập huấn 1 thầy, 1 trò nhiều năm tại Mỹ và điều tương tự có thực hiện lại hay không?

Ông Đặng Hà Việt: - Chúng ta đang phải dàn trải ở nhiều đấu trường. Chúng tôi đang làm việc để có danh sách các nội dung và số VĐV trọng điểm năm 2023. Một VĐV trọng điểm chưa thể gánh vác thành tích cho cả nền thể thao mà chúng ta cần số lượng nhiều VĐV. “Quân xanh” là vấn đề quan trọng vì đó là lực lượng cọ xát giúp tuyển thủ phát triển tốt nhất. Việc tập trung trọng điểm là nằm ở bài toán lý thuyết còn thực tế vẫn phải là tập trung theo diện. Còn gương mặt trọng điểm, trong giai đoạn ngắn, khi tuyển thủ có vị trí, có chuyên môn và có thứ hạng tranh chấp suất Olympic, lúc đó chúng ta tiếp tục đầu tư trọng điểm vào họ. Chúng ta sẽ chọn lựa các địa điểm tập huấn quốc tế phù hợp theo nội dung để gởi tuyển thủ đi tập huấn.

Về kinh phí, rõ ràng nhà nước cấp là nguồn kinh phí có hạn chứ không phải vô hạn. Vì thế, Ủy ban Olympic và ngành thể thao phải tìm kiếm các đối tác để chúng ta có kinh phí hỗ trợ.

Về trường hợp của cựu tuyển thủ bơi Nguyễn Thị Ánh Viên, trước đây chúng ta đã hướng tới mục tiêu nhắm vào cơ hội tranh huy chương ASIAD và huy chương Olympic. Nguồn lực đầu tư dành cho Ánh Viên khi đó là sự kết hợp giữa đơn vị chủ quản (Quân đội), Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam và Tổng cục TDTT và rất trọng điểm. Cái khó nhất nằm ở chỗ, VĐV Ánh Viên là một VĐV đa năng. Khi đó, VĐV khó mạnh ở một nội dung cụ thể. Ánh Viên có thành tích tại Olympic trẻ và kết quả ở các kỳ SEA Games đồng thời tạo cảm hứng đối với những bạn trẻ yêu thể thao. Vấn đề về huy chương Olympic còn là bài toán dài hơi, cần sự đầu tư mạnh hơn và phải tập trung rất nhiều kể cả cần nguồn lực xã hội hóa.

Phóng viên: - Liên quan tới việc ông nói về nguồn lực dành cho thể thao, chúng ta đang xây dựng rất nhiều Đề án phát triển, định hướng về thể thao thì giải bài toán kêu gọi nguồn xã hội hóa có phù hợp không?

Ông Đặng Hà Việt: - Thực ra, vấn đề xã hội hóa không đơn giản như chỉ nói ra bằng lời. Xã hội hóa là kêu gọi nhà tài trợ và chúng ta đang làm điều này. Việc này có khó khăn trong những giai đoạn nhất định. Chúng ta biết rằng hiện tại, cả thế giới vừa vượt qua đại dịch Covid-19 sau 2 năm ảnh hưởng nên cần rất nhiều thời gian để phục hồi lại kinh tế. Việt Nam của chúng ta cũng vậy. Ngành thể thao vẫn phải cần sự đầu tư từ nguồn lực nhà nước và nguồn lực ấy vẫn phải đi đầu.

Phóng viên: - Tới đây Tổng cục TDTT sẽ chuyển đổi mô hình xuống thành Cục thể thao. Ở góc độ về quản lý, ông đánh giá thế nào về thay đổi này?

Ông Đặng Hà Việt: - Thể thao là một ngành. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sáng lập ra ngành thể dục thể thao. Cơ quan quản lý thể thao đã có những thay đổi mô hình trong các thời kỳ trước, đã có giai đoạn là Tổng cục trực thuộc Chính phủ, đã có giai đoạn tương đương Bộ (Ủy ban thể dục thể thao)... Với bất kỳ mô hình nào, với trách nhiệm là người làm công tác thể thao, chúng tôi luôn xác định đây là ngành mang lại sức khỏe cho người dân; tạo động lực giúp người dân Việt Nam rèn luyện; và đây cũng là hình ảnh của Việt Nam. Nếu như Cục thể thao được phân công tăng cường chức năng nhiệm vụ thì vẫn sẽ đảm bảo được các yêu cầu như Tổng cục TDTT, nếu bị rút gọn thì sẽ rất khó triển khai các nhiệm vụ vì thể thao luôn phát triển và người theo tập ngày càng tăng, môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều và sự cạnh tranh ở các đấu trường ngày càng khắc nghiệt nên vai trò của ngành quản lý là rất lớn, quan trọng.

Phóng viên: - Xin cám ơn ông!

Tin cùng chuyên mục