Qua 18 lần trao giải, mới chỉ có 4 danh hiệu Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam là thuộc về cầu thủ của đội vô địch quốc gia. Mặc dù việc đánh giá năng lực của cầu thủ theo tiêu chí ổn định suốt năm nhưng trên thực tế, các lá phiếu bầu vẫn ưu ái dành cho những cá nhân nổi bật trong màu áo đội tuyển quốc gia. Vì lẽ đó mà Phạm Văn Quyến đăng quang ở tuổi 19 khi chơi xuất sắc ở đội U.23 dự SEA Games 22 hay trường hợp đặc biệt của Phạm Thành Lương, 2 lần đoạt QBV khi chơi bóng ở đội hạng nhất (Hà Nội ACB).
Với giải thưởng QBV 2013, chắc chắn V-League mới là thước đo quan trọng nhất sau khi thành tích các đội tuyển đều kém cỏi. Theo danh sách đề cử sơ khởi được các cơ quan truyền thông gửi về ban tổ chức, các chân sút tại V-League chiếm ưu thế vượt trội và sẽ không bất ngờ nếu danh hiệu được trao cho một gương mặt mới tinh.
Có thể cho rằng đó là do hoàn cảnh cụ thể của bóng đá Việt Nam hiện tại, nhưng trên thực tế, việc ghi nhận năng lực cầu thủ trong màu áo CLB cũng như tại giải vô địch quốc gia là rất quan trọng, mang ý nghĩa khích lệ tài năng nhiều hơn.

Không thiếu những trường hợp cầu thủ chơi toàn diện tại V-League nhưng không tỏa sáng trong màu áo đội tuyển với nhiều lý do khác nhau, trong đó có quan điểm dùng người của HLV trưởng. Trong lịch sử QBV Việt Nam, suýt nữa Nguyễn Minh Phương đã chịu thiệt thòi về điều này khi anh 2 lần về nhì ở đỉnh cao sự nghiệp khi cùng đội Đồng Tâm Long An vô địch V-League các năm 2005, 2006. Phải đến năm 2010, Minh Phương mới đăng quang ở tuổi 30 nhờ… đội tuyển thất bại tại AFF Cup 2010.
Với chiến lược phát triển mới mà VFF khóa 7 đang đặt ra thì nền móng của bóng đá Việt Nam bắt đầu từ các CLB, từ đào tạo cho đến năng lực thi đấu tại các giải nội địa. Việc đánh giá cao tầm quan trọng của V-League dù muộn nhưng rất cần thiết.
ĐĂNG LINH