Sanllehi ra đi trước
Kể từ thời cựu Chủ tịch Joan Laporta cho đến Sandro Rosell, Barca dù có thăng trầm khác nhau, nhưng chưa bao giờ bộ máy lãnh đạo lại biến động và bất ổn như hiện tại.
Cách đây không lâu, Chủ tịch Josep Maria Bartomeu đã tiến hành sa thải giám đốc phụ trách chuyển nhượng Sanllehi. Điều này không khó hiểu, căn cứ vào thành tích làm việc trong suốt kỳ chuyển nhượng hè qua, Sanllehi bị “trảm” là đúng. Nguyên nhân được cho rằng chính cách làm việc không hợp “thời” của Sanllehi là mấu chốt dẫn đến bi kịch. Vậy liệu điều này có thuyết phục với một quan chức từng có 15 năm gắn bó với đội chủ sân Nou Camp?
Dựa trên bề mặt thì phù hợp, Sanllehi được cho thuyết phục Neymar tối đa nhằm hy vọng ngôi sao người Brazil ở lại nhưng không thành. Tiếp theo ở thương vụ Jean-Michael Seri, Sanllehi cũng thất bại trong việc đưa tiền vệ của Nice đến với sân Nou Camp. Tuy nhiên, từ đây lại nảy sinh ra uẩn khúc lớn trong vấn đề này.
Ở Neymar, ngôi sao người Brazil ra đi vì một phần lý do chính bất mãn với Chủ tịch Bartomeu chứ có phải vì Sanllehi. Lật ngược vấn đề, nếu vì Sanllehi thì tại sao Neymar chỉ “lên án” Bartomeu mà không chỉ trích người đứng đầu bộ phận chuyển nhượng Barca. Kế đến, chính Chủ tịch của Nice - Jean-Pierre Rivere cũng buông lời khẳng định Bartomeu là kẻ làm ăn “lật lọng, tráo trở”. Thêm nữa, giữa tháng 9 vừa qua, để có thể lật đổ Bartomeu, cựu ứng viên chủ tịch Barca là Agusti Benedito tiến hành thu thập lượng lớn chữ ký tương đương 15% nhằm có thể bỏ phiếu bất tính nhiệm với Bartomeu. Cuối cùng gần đây nhất, tiến hành gia hạn hợp đồng trọn đời với Andres Iniesta. Tổng hợp 4 dữ kiện này lại, chúng ta thấy.
Thứ nhất, quá rõ, lỗi không hoàn toàn thuộc Sanllehi. Nhưng giống như trên một ván cờ, nếu buộc phải hy sinh con “tốt” để tránh cho “tướng” khỏi bị “chiếu”, Bartomeu không dại gì mà không hy sinh nhằm giảm sức “nóng” đang hướng vào bản thân. Và hành động sa thải Sanllehi chỉ là công cụ trong kế hoạch này.
Thứ hai, việc gia hạn với Iniesta cũng nằm trong kế hoạch xoa dịu sự giận dữ ở các culé dành cho bản thân Bartomeu. Bởi nếu Iniesta bị đối xử tệ bạc trước khi ra đi, Chủ tịch Bartomeu khác gì tiến gần hơn “thòng lọng treo cổ” khi vô tình giúp số phiếu mà Benedito thu thập từ các hội viên tăng lên. Tóm lại càng bị dồn vào đường cùng, càng ngộ ra sự cao tay ở Bartomeu.
Soler cất bước theo sau
Không lâu sau khi Sanllehi ra đi, GĐTT Soler cũng đã tiến hành từ chức, qua đó khép lại gần 3 năm làm việc với 12 thương vụ chuyển nhượng cầu thủ bao gồm cả HLV Ernesto Valverde. Có điều hơi lạ là thời gian ra đi của cả 2 cách nhau không quá 1 tuần khi 1 bị sa thải, 1 bị từ chức.
Theo giả thuyết từ một số tờ báo Tây Ban Nha, có thể Soler đã nhận ra được sự bất ổn trong cấu trúc thượng tầng Barca, nên việc chọn cách từ chức chí ít giúp cựu GĐTT này còn giữ được thể diện. Tiếp theo, như tờ Diario Sport đưa tin, Soler đã nhận được lời đề nghị “béo bỡ” hơn từ Arsenal và Man.City. Đừng quên rằng, GĐTT hiện tại của Man xanh là Txiki Begiristain cùng GĐĐH Ferran Soriano từng là người của Barca. Cuối cùng, có thể Soler không chịu được áp lực từ dư luận. Việc phải cùng lúc làm nhiều việc như tham gia quản lý bóng rổ, bóng ném và dự án Masia 360 của Barca khiến Soler không thể tập trung làm tốt một việc cố định, và quyết định từ chức xuất phát từ lòng tự trọng cá nhân.
Bartomeu đau đầu bộ máy nhân sự
Trước đó, việc phản đối quyết định ra sân thi đấu của Barcelona trước Las Palmas ở vòng vừa qua tại La Liga trong tình hình bất ổn chính trị tại Catalonia, phó Chủ tịch Carles Vilarrubi và giám đốc Jordi Mones cũng đã từ chức. Bây giờ, thêm Soler và Sanllehi đã đẩy bộ máy lãnh đạo của Barca trở nên thiếu người trầm trọng.
Trước tình cảnh này, Chủ tịch Bartomeu đã tiến hành điều chỉnh. Ví dụ trong vai trò Phó chủ tịch kinh tế mà Susana Monje đã từ chức năm 2016, vị trí này đang được GĐĐH Oscar Grau cáng đáng thêm. Tương tự Pep Segura sẽ phụ trách thêm phần việc của Soler và Sanllehi để lại. Riêng trách nhiệm của Mones và Villarubi, Barca sẽ tiến hành bổ sung thêm trong thời gian tới.