Thể thao Việt Nam tập trung tối đa để giành vé dự Olympic Paris 2024

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao trong năm 2024 là các đội tuyển thể thao trọng điểm hướng tới giành suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024.

Lãnh đạo ngành TDTT thông tin nhiều vấn đề với báo giới ở công tác chuẩn bị chuyên môn của năm 2024. Ảnh: MINH MINH
Lãnh đạo ngành TDTT thông tin nhiều vấn đề với báo giới ở công tác chuẩn bị chuyên môn của năm 2024. Ảnh: MINH MINH

Ngày 1-2, Cục TDTT đã có thông tin rộng rãi trước báo giới về công tác chuẩn bị chuyên môn của ngành hướng tới các nhiệm vụ của năm 2024. Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã trao đổi thẳng thắn, “Chỉ tiêu của ngành là hướng tới giành từ 12 tới 15 suất chính thức. Chúng tôi đang tập trung để các môn thể thao có VĐV trọng điểm thi đấu phấn đấu giành suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024. Dự báo, môn cầu lông có cơ hội hiện thực suất này với trường hợp tuyển thủ Nguyễn Thùy Linh. Tuyển thủ Lê Đức Phát cũng trong kỳ vọng. Bắn súng đang nỗ lực chờ đợi giành thêm 1 suất nam và 1 suất nữ. Một số môn như rowing, canoeing, boxing, taekwondo, judo, bắn cung, điền kinh, TDDC, bơi cũng có sự chuẩn bị của mình”.

Tuy nhiên, Cục trưởng Đặng Hà Việt nhìn nhận, việc ngành thể thao chỉ khiêm tốn phấn đấu chỉ tiêu giành từ 12 tới 15 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 là giảm ở con số cơ học so với kỳ Olympic trước. Đây là điều ngành thể thao phải xem xét để rút kinh nghiệm có sự làm mới trở lại. “Chúng tôi nhìn nhận, xét về mặt số học là dự báo số suất Olympic đi xuống. Công tác đầu tư, tuyển chọn chưa hiệu quả. Ngành thể thao phải nhìn nhận để có sự thay đổi và có nhiều việc phải làm”, ông Đặng Hà Việt khẳng định.

Gần như chắc chắn, năm 2024 này, Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030, định hướng tới năm 2045 sẽ được ban hành. Do đó, ngành thể thao đang chờ phê duyệt chính thức và ban hành Chiến lược này, từ đó, ngành thể sẽ thực hiện các chương trình ngắn hạn, dài hạn cùng các địa phương cùng sự đầu tư cho thể thao mọi người, thể thao thành tích cao hướng tới các nhiệm vụ trọng điểm, tuyển chọn con người tốt nhất cho thể thao.

Cũng về công tác đầu tư, lãnh đạo ngành thể thao nhìn thẳng vấn đề đó là thực tế thể thao Việt Nam đang có sự đầu tư dàn trải bởi chế độ của các VĐV cào bằng như nhau. “Về chế độ, VĐV Olympic hay ASIAD không khác các VĐV khác. Các hoạt động chế độ thì vẫn chung chung, chưa khác biệt. Chúng tôi xác định các Trung tâm HLTTQG là trung tâm trọng điểm. Ngành thể thao rất cần đội ngũ khoa học viên, trang thiết bị khoa học. Đội ngũ con người cần được đào tạo. Từng Trung tâm HLTTQG cần sự đầu tư trọng điểm theo lựa chọn môn trọng điểm 3-4 môn. Khi có con người làm việc, chúng ta đạt được kết quả chuyên môn cao nhất. Đó là một trong những vấn đề thực hiện bước đầu của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030”, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết.

Ngành thể thao cũng xác nhận, công tác quản lý các đội tuyển thể thao quốc gia sẽ phải giám sát kỹ lưỡng hơn sau khi các cơ quan báo chí có phản ánh thông tin vừa qua. “Công tác quản lý các đội tuyển thể thao quốc gia vẫn còn những lỗ hổng. Xin cám ơn báo chí đã đưa các thông tin phản ánh lên. Từ những thông tin đó, ngành thể thao nắm được hơn, hiểu được hơn lỗ hổng về công tác huấn luyện, quản lý...”, lãnh đạo ngành thể thao xác nhận.

Thể thao Việt Nam hiện đang có 4 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) gồm 1 suất bơi, 1 suất xe đạp đường trường, 2 suất bắn súng.

Cục TDTT đã gặp mặt các cơ quan báo chí thông tấn ngày 1-2 để thông tin về công tác hoạt động đầu xuân mới 2024. Lãnh đạo Cục TDTT cũng thông báo các thông tin cụ thể về công tác hoạt động của năm 2024 về thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao. Cục TDTT cho biết luôn rộng mở thông tin truyền thông về các vấn đề của thể thao nước nhà để thể thao Việt Nam luôn trong sạch, vững mạnh và được sự cổ vũ của người dân cả nước.

Tin cùng chuyên mục