Thể thao Việt Nam phấn đấu tối đa có 18 suất Olympic 2024 nhưng không đặt mục tiêu thành tích

Đây là con số mà Cục TDTT hướng tới và báo cáo tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030.

Cục trưởng Đặng Hà Việt trao đổi về các vấn đề của thể thao thành tích cao Việt Nam. Ảnh: MINH MINH
Cục trưởng Đặng Hà Việt trao đổi về các vấn đề của thể thao thành tích cao Việt Nam. Ảnh: MINH MINH

Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã có báo cáo về thể thao thành tích cao tại Hội nghị trên trong chiều 21-12 tại Hà Nội. Theo đó, quan điểm của ngành thể thao và thể thao thành tích cao đang hướng tới các công tác lựa chọn VĐV để đào tạo chuẩn bị cho Olympic 2024 và Olympic 2028 cùng đấu trường ASIAD 20 năm 2026 và ASIAD 21 năm 2030 dựa trên cơ sở lực lượng VĐV hiện có, có tính kế thừa với kế hoạch đào tạo, tập huấn hệ thống, khoa học, phù hợp với nguồn lực tài chính và đảm bảo sự phát triển đồng bộ thành tích các môn thể thao trọng điểm, có ưu thế phù hợp thể trạng con người Việt Nam.

Ngành thể thao đặt mục tiêu tại Olympic Paris (Pháp) phấn đấu từ 15 tới 18 VĐV giành suất tham dự. Các môn được chờ đợi giành suất chính thức tới đấu trường này là xe đạp, bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ, TDDC, taekwondo, boxing (quyền Anh), đua thuyền, bắn cung, cầu lông... Tới Olympic Los Angeles (Mỹ) 2028 thì có trên 20 VĐV vượt qua vòng loại.

Tuy nhiên, mục tiêu về thành tích huy chương với các đấu trường Olympic những lần thi đấu này không được đưa ra cụ thể. Và trên thực tế, chúng ta chỉ khẳng định trước mắt có khoảng 30 VĐV trọng điểm đủ khả năng tranh chấp suất chính thức dự Olympic vào năm 2024

Ngành thể thao hướng tới ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật Bản có từ 5 tới 6 HCV và nhắm cơ hội trong các môn bắn súng, karate, cầu mây, xe đạp, điền kinh, đua thuyền, thể thao điện tử, wushu, taekwondo... Ở ASIAD 21 năm 2030 là có từ 7 tới 8 HCV. Các kỳ SEA Games năm 2025, 2027, 2029 giữ vị trí trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu và đứng trong nhóm 2 quốc gia dẫn đầu thành tích ở nhóm môn Olympic.

Để cụ thể mục tiêu trên, Cục TDTT đưa ra các nhóm giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Trong đó ở việc lựa chọn VĐV vẫn tập trung cử những người trọng điểm tập huấn nước ngoài dài hạn (khoảng 30 VĐV có khả năng giành HCV ASIAD 20 và đạt chuẩn Olympic trong 5-6 môn); nhóm VĐV kết hợp tập huấn trong nước, cử tập huấn thi đấu nước ngoài ngắn hạn (khoảng 150 VĐV của 9 tới 10 môn); số còn lại là một số môn xã hội hóa.

Tin cùng chuyên mục