Thể thao Việt Nam kỳ vọng gì ở AIMAG?

Thông số thành tích ở AIMAG chắc chắn chỉ mang ý nghĩa tham khảo đối với thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện nay, nhất là khi nhiều HLV và VĐV thừa nhận đây là việc chẳng đặng đừng sau khi đã dồn hết tâm sức cho đấu trường SEA Games 29.
Đoàn Thể thao Việt Nam dự AIMAG 2017 với lực lượng khá hùng hậu. Ảnh: HUY THẮNG
Đoàn Thể thao Việt Nam dự AIMAG 2017 với lực lượng khá hùng hậu. Ảnh: HUY THẮNG
Sau SEA Games 29, nhiều tuyển thủ lại tất bật chuẩn bị cho cuộc chinh phục mới ở Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật lần thứ 5 (AIMAG) diễn ra tại Turkmenistan. Có điều, sức ép thành tích sẽ không lớn như khi thể thao Việt Nam “hành quân” đến với những sân quan trọng thực sự như Asiad, Olympic…
Thật ra, nếu có thêm cơ hội thử sức cho các tuyển thủ taekwondo, futsal, cử tạ, điền kinh… nhóm môn thuộc hệ thống thi đấu chuẩn mực của Olympic, cũng là điều tốt vì thể thao Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuẩn bị đầu tiên cho Asiad 2018 diễn ra vào năm tới ở Indonesia. Nhưng kỳ vọng lớn vào mục tiêu tranh chấp thứ hạng cao ở sân chơi mang ý nghĩa như một ngày hội võ thuật và dành cho một số môn thi đấu trong nhà thì hơi khiên cưỡng.
Sân chơi này vốn dĩ được hợp nhất từ 2 đại hội thể thao trước đây là Đại hội Võ thuật và Đại hội Thể thao trong nhà (tức Asian Indoor Games), ra đời từ năm 2005 và được Hội đồng Olympic châu Á xem như một sự kiện chính thức, dù về tính chất cạnh tranh không thể bằng những giải thể thao tầm châu lục. AIMAG từng 1 lần phải hủy bỏ vì Qatar không đăng cai vào năm 2011. 
Việt Nam đã đăng cai sự kiện này vào năm 2009 và khi đó đoàn VĐV nước chủ nhà chạm đích ở vị trí thứ nhì toàn đoàn nhờ giành được 42 tấm HCV (xếp sau Trung Quốc, 48 HCV). Có điều, giới làm nghề không đánh giá cao sân chơi này, bởi nếu so sánh về trình độ với Asiad - nơi mà thể thao Việt Nam vẫn đang trăn trở tìm chỗ đứng xứng đáng giữa bạn bè châu lục, trình độ chuyên môn không cao.
Thậm chí, nhiều quốc gia ở châu Á không cử đến những VĐV giỏi nhất của mình, coi đây như một dịp để tạo mối giao lưu, thử nghiệm VĐV trẻ không hơn không kém. Thành thử, thông tin về AIMAG 2017 ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông châu lục. Hay nói theo cách khác, sự kiện này chưa tạo dựng được uy tín và danh tiếng của mình trong làng thể thao châu Á. 
Đối với thể thao Việt Nam thì có vẻ hơi khác một chút, bởi với lực lượng đưa đến Turkmenistan khá hùng hậu (164 thành viên), trong đó có rất nhiều VĐV tài năng như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thị Huyền, Lê Tú Chinh, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh), đội tuyển futsal, Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Châu Tuyết Vân (taekwondo)… tham vọng chính là bảo vệ vị trí thứ 3 toàn đoàn từng giành được cách đây 2 năm ở Hàn Quốc.
Thông số thành tích ở AIMAG chắc chắn chỉ mang ý nghĩa tham khảo đối với thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện nay, nhất là khi nhiều HLV và VĐV thừa nhận đây là việc chẳng đặng đừng sau khi đã dồn hết tâm sức cho đấu trường SEA Games 29.
Sau hành trình di chuyển vất vả gần 26 giờ, đội tuyển futsal Việt Nam đã có mặt tại Turkmenistan vào đêm 13-9 và gia nhập làng AIMAG để chuẩn bị tham dự đại hội. Đây là lần thứ 4 đội tuyển futsal Việt Nam tham dự đại hội này, 3 lần trước vào các năm 2007, 2009 và 2013 đều bị loại từ vòng bảng.
Tham dự môn futsal nam ở đại hội lần này có 14 đội, trong đó có đầy đủ các đội mạnh nhất châu Á như Iran, Thái Lan, Uzebekistan, Nhật Bản. Đội Việt Nam nằm ở bảng A cùng với các đội chủ nhà Turkmenistan, Đài Bắc Trung Hoa, Hồng Công (Trung Quốc) và đảo Solomon.
KHÁNH VÂN

Tin cùng chuyên mục