Nhóm môn Olympic phải có vàng
Đó là mệnh lệnh đối với đoàn thể thao Việt Nam trong giai đoạn ráo riết chuẩn bị cho cuộc tranh tài tại Indonesia vào tháng 8 tới. Hai kỳ ASIAD gần nhất (2010 và 2014), thể thao Việt Nam chỉ giành được vỏn vẹn 2 tấm huy chương vàng và karatedo cũng như wushu không nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic, khiến chúng ta khá bẽ bàng trước bạn bè khu vực.
Thế nên, nhóm trọng điểm với các gương mặt nổi bật như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ)… đang mang trên vai trọng trách lớn, phong độ thi đấu của họ có thể ảnh hưởng đến cả cuộc hành trình của đoàn thể thao Việt Nam ở xứ vạn đảo.
Đây đều là những nhà vô địch của khu vực và châu Á, đặc biệt là niềm kiêu hãnh Hoàng Xuân Vinh của bắn súng Việt Nam ở Olympic 2016. Dựa vào họ cùng với bộ sưu tập thành tích đồ sộ, những nhà quản lý ngành TDTT cảm thấy yên tâm hơn đôi chút khi nghĩ đến thách thức khó khăn đang đợi ở phía trước.
Nên nhớ, hai kỳ Á vận hội đã qua, thể thao Việt Nam dù đem quân đi hùng hậu, cũng có nhiều VĐV được đánh giá cao về khả năng tranh chấp huy chương, nhưng rốt cuộc chỉ nếm toàn trái đắng và cơn khát huy chương vàng vô tình trở thành nỗi ám ảnh đối với không ít VĐV. Nhiều người đã rơi nước mắt vì nuối tiếc trong suốt 8 năm qua…
Nhóm môn Olympic trên thực tế đang rất mạnh, lại khá ổn định về thành tích trong vài năm trở lại đây. Ngoài việc khẳng định vị thế ở SEA Games, các “cao thủ” Xuân Vinh, Ánh Viên, Kim Tuấn, Nguyễn Thị Thật, Thu Thảo… đều đã ít nhất 1 lần bước lên ngôi vô địch châu Á, thế giới hoặc Olympic. Khi gạt bỏ được sự tự ti, bước qua được rào cản về tâm lý, họ đã thể hiện một hình ảnh khác hẳn, đầy mạnh mẽ và đầy niềm tin chiến thắng.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của lãnh đạo ngành TDTT, nhóm môn karatedo, wushu, pencak silat, billiards & snooker, đua thuyền, bắn cung… cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ, hay thậm chí là “giải hạn” huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam khi sự thất vọng lên đến đỉnh điểm.
Hãy mang theo tinh thần U.23
Sau thành công vang dội ở đấu trường U.23 châu Á, thầy trò đội tuyển U.23 Việt Nam bất ngờ trở thành niềm hy vọng đặc biệt cho đoàn thể thao nước nhà trong chuyến phiêu lưu đến ASIAD 18. Điều này ngược với lẽ thường, vì trước đây bóng đá là môn ít được để ý trong mỗi lần dự tranh Á vận hội bởi cơ hội tranh chấp thành tích của chúng ta quá nhỏ bé, chìm khuất giữa rất nhiều môn thể thao trọng điểm được kỳ vọng khác. Nhưng chiến tích ở Thường Châu (Trung Quốc) đã biến đội tuyển U.23 Việt Nam thành một “thế lực” thực sự khi tham dự ASIAD 18 và trong ánh mắt dè chừng của bạn bè châu lục.
“Cú về nhì vĩ đại” theo miêu tả của báo chí châu Á dành cho U.23 Việt Nam chắc chắn đã trở thành động lực không chỉ cho bóng đá Việt Nam vươn lên, mà còn cho cả nền thể thao đang chuyển mình rất tích cực. Còn hơn thế, “tinh thần U.23 Việt Nam” bất khuất và kiên cường, không từ bỏ khát vọng dù đang ở vào hoàn cảnh cam go nhất được nhiều tuyển thủ quốc gia môn thể thao khác xem như động lực phấn đấu cao nhất của bản thân trong giai đoạn chuẩn bị ASIAD 18. Trước “trận chiến lớn” ấy, đấy là điều rất đáng khích lệ.
Nhiều đội tuyển đã tập trung hoặc sẽ hội quân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gần như phải dồn mọi tâm sức cho giai đoạn tập huấn và thi đấu cọ xát đặc biệt quan trọng từ nay đến khi lên đường sang Indonesia. Ngành TDTT cũng chọn năm 2018 là bản lề cho nhiều mục tiêu lớn, kỳ vọng thành công tại ASIAD 18 sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thể thao Việt Nam hướng đến cuộc đột phá đầy kiêu hãnh khác là Olympic Tokyo 2020…