Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic 2016 Trần Đức Phấn đã có cuộc trao đổi với SGGP Thể thao về kế hoạch tiếp theo ở đấu trường Olympic. Mục tiêu của thể thao Việt Nam vẫn là có huy chương chứ không chỉ dự cọ xát kinh nghiệm tại Asian Games 2018 và Olympic 2020.
° PV: Olympic 2016, thể thao Việt Nam đã thi đấu xong. Tới đây, chúng ta sẽ hoạch định kế hoạch thực hiện tiếp theo với Asian Games 2018 và Olympic 2020 như thế nào?

- Ông Trần Đức Phấn: Hiện nay theo chỉ đạo cấp cao nhất là thực hiện kế hoạch cụ thể môn thể thao. Nhân chúng ta có HCV và HCB Olympic 2016 ở môn bắn súng, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho thể thao thành tích cao. Ở đây là xây dựng kế hoạch cho đấu trường nào phải rõ ràng. Vấn đề quan trọng, huy chương Olympic 2016 của chúng ta khẳng định thực lực là mình có và thêm một phần may mắn thì ngành thể thao sẽ có thêm sự đầu tư đúng đắn, bài bản, hệ thống, khoa học hơn. Bài bản và hệ thống như thế nào, chúng tôi sẽ xây dựng để VĐV tới Olympic tranh tài huy chương. Không như trước đây là tới Olympic thi đấu hoàn toàn không có khái niệm sẽ giành được kết quả huy chương. Vì vậy, phải nói thật, tấm HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 là sự bất ngờ. Trên cơ sở tính toán thì chúng tôi xác định, VĐV tới Olympic tương lai là tranh huy chương còn với Asian Games là tranh HCV. Muốn giải được bài toán Rio này, kinh phí đầu tư như thế nào sẽ cần sự tương xứng với mục tiêu và số lượng rất ít VĐV theo nội dung. Ta chọn nội dung để có đầu tư trọng điểm quan trọng nhất. Mong muốn nhất là cần có nhân sự đầy đủ hỗ trợ cho VĐV từ công tác y tế tới dinh dưỡng cho VĐV thi đấu đấu trường quan trọng. Hiện tại, chúng ta chuẩn bị vẫn theo sự may rủi và chưa có một sự bền vững. Chúng tôi là cơ quan thể thao sẽ làm công tác tham mưu tối đa để cơ quan cao nhất xem xét quyết định.
° Môn cử tạ đã không thành công tại Olympic 2016 và trước đó là Olympic 2012, chúng ta sẽ xem xét về đầu tư môn này như thế nào?
-Nói về lực, tại Olympic 2016, lực sỹ Thạch Kim Tuấn (56kg) có khả năng hơn tuyển thủ Thái Lan đã giành HCĐ tại Rio de Janeiro. Chúng ta nói thẳng thắn, VĐV của mình chưa thể vượt các đối thủ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Nhưng chúng tôi thấy, chỗ của Tuấn là bài toán phải giải. Ở đây liên quan nhiều yếu tố, cả HLV. Tính về giai đoạn hiện nay, môn cử tạ và bắn súng của Việt Nam triển vọng nhất tranh chấp huy chương tại Olympic nên chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư cho môn đấu này. Dứt khoát tới đây phải có chuyên gia. Hiện tại, với cử tạ, chúng ta vẫn trong tình thế may rủi giành huy chương chứ không phải chắc chắn đạt được thành tích trước thi đấu. Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư cho cử tạ ở hạng 56kg vì đó là hạng cân VĐV Việt Nam đủ cơ hội tranh chấp huy chương Olympic. VĐV nữ chúng ta cũng có khả năng nhưng sẽ đầu tư hạng cân nhẹ.

Thạch Kim Tuấn phải có chuyên gia giỏi để khai thác hết tiềm năng của anh. Ảnh: T.L
° Olympic 2020 có môn karatedo được vào chương trình thi đấu, thể thao Việt Nam chờ đợi gì ở môn này?
-Với tôi, cách nhìn hơi khác một chút. Đây là, nhà quản lý phải đánh giá đúng năng lực của VĐV mình trong Đông Nam Á, châu Á và thế giới ra sao. Như thế mới có cách xác định chính xác chuyên môn. Về nguyên tắc, VĐV của mình phải khẳng định năng lực huy hương ở SEA Games rồi Asian Games và tiến tới giành suất Olympic. Chúng ta từng có minh chứng là VĐV môn taekwondo đã bị tụt lại như thế nào. Chúng ta đã đánh giá mặt chuyên môn đối thủ không sâu, rất hời hợt. Ta phải thấy, các quốc gia đều có chiến thuật và VĐV quan trọng không phải lúc nào cũng xuất hiện tất cả giải đấu. Với karatedo, hiện nay, chúng ta sẽ phải làm bài bản mới được. Qua năm sau có SEA Games rồi tới là Asian Games một số quốc gia trong khu vực có lực lượng mạnh như Malaysia, Thái Lan… Nếu chúng ta không có huy chương thì sẽ khó. Nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ chọn từ 1 tới 2 hạng cân thi đấu để đầu tư trọng điểm cho VĐV ở đối kháng. Trước mắt, ta hướng về Asian Games. Với Olympic, nhiều quốc gia trong châu Á rất mạnh ở karatedo nên Việt Nam cũng phải thận trọng.
MINH CHIẾN (thực hiện)
Câu chuyện thể thao
Đằng sau tấm huy chương
“Đối với người bình thường, thuốc ngủ và thuốc giảm đau thi thoảng mới được sử dụng, riêng những VĐV bóng chuyền như chúng tôi, đó như một thứ "thực phẩm" phụ của mình. Điều đó có nghĩa là chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với chấn thương, đau đớn và chứng mất ngủ vì căng thẳng. Tôi cũng nói với các em rằng trong thể thao, để có một phút vinh quang, chúng ta sẽ phải đổi bằng hàng giờ nước mắt, khổ luyện, cả những đau đớn về thể xác và tinh thần, nhất là đối với phụ nữ. Bản thân chúng tôi, đã phải hy sinh cho nghề quá nhiều”. Đó là tâm sự chân thành về những khó khăn trong tập luyện và thi đấu của một trong những VĐV rất nổi tiếng của bóng chuyền Việt Nam là Hà Thu Dậu.
Tại Giải Bóng chuyền Cúp PV-Đạm Cà Mau vừa kết thúc cách đây ít lâu, ít ai biết rằng cây chuyền hai Hà Thị Hoa đến với giải đấu trong tình trạng đang bị chấn thương khá nặng. Cô bị lật cổ chân chỉ cách khai mạc giải đấu vài ngày, dù chân đang sưng to, liên tục uống thuốc giảm đau và chườm đá lạnh nhưng Hà Thị Hoa vẫn phải cắn răng để vào sân thi đấu trong bối cảnh các đồng đội đang gặp khó. Nhiều đồng nghiệp thấy Hoa như vậy vừa xót nhưng cũng không quên động viên: “Cổ chân sưng như chân voi mà vào sân vẫn chuyền được thì giải này phải trao cho Hoa danh hiệu chuyền hai xuất sắc nhất rồi”. Vậy là đúng như lời đồn, ngày bế mạc Hoa bé cùng Hoa lớn ẵm cả hai giải cá nhân của giải đấu.

Bất chấp chấn thương, Hà Thị Hoa vẫn là cây chuyền hai xuất sắc nhất của giải đấu. Ảnh: Thiên Hoàng
Cùng chung một cảnh ngộ như Hà Thị Hoa là chủ công Trần Thị Thanh Thúy, thực tế Thúy mới tập lại khoảng 10 ngày với bóng trước khi đến với giải đấu này. Trước đó chủ công cao 1m90 chủ yếu tập luyện với các bài tập phục hồi do có dấu hiệu quá tải. Do lâu ngày không phải tập luyện với các bài tập với cường độ cao nên đôi khi cô bé có dấu hiệu oải. Không thi đấu được như những gì khán giả kỳ vọng, nhiều khán giả còn tỏ ra trách móc, đáp lại cô bé chỉ nhẹ nhàng cám ơn và trả lời sẽ cố gắng tập luyện thật tốt trong những giải đấu lần sau. Cũng ở CLB VTV Bình Điền Long An, Kim Liên cũng gặp phải chấn thương trong quá trình tập trung cùng đội tuyển, kết thúc trận chung kết Liên đã gục gã ngay trên sàn đấu đã đủ biết nỗ lực của libero cao 1m60 này là lớn đến mức nào.
Cũng tại Giải Bóng chuyền Cúp PV-Đạm Cà Mau lần này, Thông Tin Liên Việt Postbank thiếu vắng rất nhiều trụ cột như: Bùi Thị Ngà, Âu Hồng Nhung… vì lý do chấn thương, đây đều là những chấn thương rất nặng do phải thi đấu và tập luyện bị quá tải trong suốt một thời gian dài.
Đó chỉ là số ít VĐV trong các CLB có tiềm lực về tài chính nhưng ngoài kia còn đó rất nhiều trường hợp không may phải đứt gánh giữa đường. Điều đó dễ hiểu vì sao mà các VĐV bóng chuyền Việt Nam lại sợ chấn thương đến như vậy. Trong nhiều trường hợp, họ “lĩnh đủ” bởi không được đóng bảo hiểm hoặc chế độ bảo hiểm quá thấp, điều kiện chữa trị hồi phục yếu kém và nhất là có thể trở thành “quả bóng” bị đá đi đá lại. Chuyện đời vận động viên bóng chuyền cũng như thể thao chuyên nghiệp từng được ví von như “vắt chanh bỏ vỏ”…
HÀ HƯNG