Thể thao mùa đông ở xứ nhiệt đới

Các bộ môn thể thao “đặc sản” xứ lạnh ngày càng trở nên phổ biến và được giới trẻ Việt Nam theo đuổi tập luyện. Một số vận động viên chuyên nghiệp cũng đã được lựa chọn để tranh tài trên đấu trường quốc tế.

Dám ước mơ, dám thực hiện

Năm 2017, nhóm 6 vận động viên (VĐV) được tuyển chọn đã đến Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) để tập luyện hàng tháng trời trên đồi cát nóng nhằm chuẩn bị cho cuộc tranh tài các môn thể thao mùa đông tại Đại hội thể thao mùa đông châu Á (Sapporo, Nhật Bản).

Chuyện nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là cách làm tối ưu mà các VĐV lựa chọn để “chữa cháy” khi Việt Nam không phải là xứ lạnh, không có tuyết bao phủ vào mùa đông. Dù tập luyện và thi đấu trong điều kiện trái ngược, tất cả đã cùng nhau tạo nên cột mốc mới trong lịch sử thể thao Việt Nam, khi lần đầu tiên có đại diện tranh tài tại một kỳ đại hội thể thao mùa đông.

Từ lần đầu tiên ấy, những người làm công tác chuyên môn của thể thao Việt Nam dám ước mơ và dám thực hiện hành trình phát triển phong trào các môn thể thao mùa đông.

Nhiều bạn trẻ đam mê tập luyện môn trượt trên băng
Nhiều bạn trẻ đam mê tập luyện môn trượt trên băng

Dù còn khá mới mẻ nhưng các nội dung trượt băng đang ngày càng trở nên phổ biến và được giới trẻ theo đuổi tập luyện. Đến năm 2018, Liên đoàn Trượt băng Việt Nam (sau đổi thành Liên đoàn Trượt băng và roller Việt Nam) được thành lập với mục tiêu phát triển rộng khắp phong trào cũng như tạo điều kiện tốt nhất để tuyển thủ Việt Nam có cơ hội thi đấu nhiều giải quốc tế.

Tuy nhiên, điều kiện về cơ sở vật chất và sân bãi ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, tập trung chủ yếu tại TPHCM, Hà Nội. Anh Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng ban phát triển phong trào Liên đoàn Trượt băng và roller Việt Nam, cho biết, ở môn trượt băng tốc độ phát triển chủ yếu tại TPHCM và thường tập ở 2 địa điểm: sân trượt Vincom Thảo Điền (TP Thủ Đức) và Vincom Landmark 81 (quận Bình Thạnh).

“Các sân thường là địa điểm kinh doanh giải trí nên để vào tập bắt buộc VĐV phải mua vé với giá vài trăm ngàn cho mỗi buổi tập. Do đó, phần lớn VĐV tập kỹ thuật off-ice (trên đất) là nhiều. Hơn nữa, đây là môn thể thao xã hội hóa nên kinh phí tham gia bộ môn này tương đối cao”, anh Mạnh chia sẻ.

Không chỉ tham gia tập luyện, các tuyển thủ Việt Nam hướng đến dự tranh tại những giải đấu quốc tế để tích lũy điểm số cá nhân trên bảng xếp hạng thế giới. Đầu tháng 4 vừa qua, đội tuyển trượt băng tốc độ Việt Nam đã dự giải Vô địch trượt băng tốc độ Đông Nam Á mở rộng 2023 tại Singapore và giành 3 HCV, 1 HCĐ. Năm 2022, đội tuyển cũng đạt kết quả khả quan với 5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ tại giải Vô địch trượt băng tốc độ quốc gia Indonesia.

Khát vọng Olympic mùa đông

Cuối năm 2020, đoàn thể thao Việt Nam với 6 tuyển thủ lên đường đến khu liên hợp thể thao Olympic Pyeongchang tại Hàn Quốc để tham gia chương trình tập huấn “New Horizon Sliding Champions”, được hỗ trợ bởi Quỹ Di sản Pyeongchang 2018 với mục tiêu giúp các nước Đông Nam Á giành quyền tham dự Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.

Tiếp xúc những bộ môn hoàn toàn mới như xe trượt lòng máng hay trượt băng nằm sấp tại một đất nước xa lạ, các tuyển thủ Việt Nam từng bước khắc phục khó khăn ban đầu như làm quen với khí hậu, nén những cơn đau do chấn thương khi tập luyện, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội... để thực hiện hóa giấc mơ có suất dự Olympic mùa đông.

Tuyển thủ Trần Thị Đoan Trang tập luyện nội dung xe trượt lòng máng
Tuyển thủ Trần Thị Đoan Trang tập luyện nội dung xe trượt lòng máng

Một trong những gương mặt nổi bật trong nhóm này có thể kể đến Trần Thị Đoan Trang. Vốn xuất thân là tay đua mô tô chuyên nghiệp, Trang nhanh chóng bắt nhịp và được các chuyên gia đánh giá cao, chọn đăng ký thi đấu tại các giải tích lũy điểm số. Cô chấp nhận tham gia những chuyến du đấu đầy thách thức ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và liên tiếp giành vị trí trong tốp 10 tại các giải tham dự. Cơ hội trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành suất chính thức tại Thế vận hội mùa đông đang rộng mở với Trang nếu không có sự xui rủi khi mắc Covid-19. Vắng mặt ở chặng thi tích lũy điểm số cuối cùng đầu năm 2022 và không nhận được suất vé đặc cách từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) lẫn IBSF, Trần Thị Đoan Trang đành lỗi hẹn với Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022...

Có tiếc nuối cũng như thất vọng về chính mình khi vụt mất cơ hội ngay tầm tay, song không vì thế mà Trang hay các đồng đội của mình nản lòng. Sau khi kết thúc chương trình tập huấn tại Hàn Quốc vào tháng 3-2022, Trang và các thành viên đội tuyển xe trượt lòng máng Việt Nam trở về nước tiếp tục việc tập luyện. Hiện tại, các tuyển thủ tự tập những bài chuyên môn ở các phòng tạ và chạy bộ ở sân vận động tại TPHCM, sau đó dự kiến tham dự các giải World Cup để tích đủ điểm cho Olympic mùa đông 2026 sẽ diễn ra tại Milan (Italy).

Tin cùng chuyên mục