Thầy Park trổ tài... đánh cờ mù

Sử dụng đội hình 2 của đội tuyển quốc gia để thử sức đội U22, sau đó sẽ lại dùng đội trẻ làm "quân xanh” cho đội hình 1 của đội tuyển. Thầy Park có vẻ thoải mái khi ngồi khán đài xem thi đấu nhưng rõ ràng là trong đầu ông có khi là một trận đấu khác.

ĐTQG (trái) giao hữu với ĐT U22 Quốc gia.
ĐTQG (trái) giao hữu với ĐT U22 Quốc gia.

Dịch bệnh ảnh hưởng quá nặng nề đến mọi kế hoạch của bóng đá. Những đối thủ của chúng ta tại vòng vòng loại World Cup 2022 như Malaysia thì không có trận đấu nào để đá, còn đá được như Việt Nam thì cũng chẳng thể có một trận giao hữu chính thức.

Một trận đấu nội bộ kiểu như đội tuyển đá với U22 hầu như có ít giá trị chuyên môn. U22 mà thắng, thì có khi nhờ “đàn anh” nhẹ chân. Còn đội tuyển mà có thắng U22, thì cũng chẳng thể xem là thành quả quan trọng. Cụ thể như ở trận giao hữu tại Cẩm Phả tối 23-12. Chỉ cần đội trẻ U22 ghi bàn, thì chừng 5 phút sau đội tuyển đã cân bằng tỷ số.  Sự chênh lệch về đẳng cấp lẫn kinh nghiệm, là quá rõ ràng.

Nhưng đó là suy luận của chúng ta, những người đang “thèm” một trận đấu hấp dẫn hơn, cân bằng hơn. Trong khi đó, biết đâu HLV Park Hang-seo đã có những đáp số cho riêng mình sau một trận đấu tưởng chừng là chẳng có gì cả. Biết đâu, chúng ta là những người chỉ ở trình độ đánh cờ thật, trong khi nhà cầm quân người Hàn Quốc đã là một đại cao thủ, chơi ván cờ mù của riêng ông.

Thầy Park trổ tài... đánh cờ mù ảnh 1 Khá vất vả, ĐTQG mới vượt qua được các đàn em U22 Quốc gia (phải).
Đánh cờ mù, hay tư duy sớm các nước cờ trung, tàn cuộc, có nghĩa là tính toán và tiến hành các nước đi hoàn toàn trong suy nghĩ. Không để ai biết. Phải trình độ ở đẳng cấp “kỳ vương” mới đủ khả năng khai triển cờ mù. HLV Park Hang-seo quyết định xếp một đội hình toàn các cầu thủ mới, ít có cơ hội lên tuyển quốc gia, cho ra sân ở trận đấu đầu tiên. Nói cách khác, là ông đang xây dựng một đội tuyển thứ 2 chứ không phải tìm kiếm những người thay thế cho đội tuyển quốc gia hiện có.

Ông Park buộc những tân binh này phải tư duy một cách độc lập thay vì họ được chơi trong một bộ khung có sẳn. Chính vì thế, ai có năng lực, ai không phù hợp rất dễ nhận thấy. HLV Park Hang-seo cho phép các cầu thủ ở đội hình 2 được đề xuất vị trí mong muốn, đó là lý do mà Văn Quyết thay vì  đá trên cao ở vị trí tiền đạo đã chọn chơi thấp, sau lưng các cầu thủ tấn công và phía trên sơ đồ kim cương của tuyến tiền vệ.

Vị trí này ở đội tuyển đã có nhiều người giỏi, nhưng Văn Quyết đã chấp nhận sự cạnh tranh, chọn nơi khó nhất để thử sức hòng chiếm được lòng tin của HLV Park Hang-seo. Thúc đẩy lòng quyết tâm khám phá bản thân của một người như Văn Quyết, đấy chính là mục đích quan trọng trong ván cờ mù của nhà cầm quân Hàn Quốc.
Thầy Park trổ tài... đánh cờ mù ảnh 2 Văn Quyết đep băng thủ quân trong trận giao hữu với U22 Việt Nam.
Trận đấu vừa qua cũng còn một chi tiết quan trọng khác: Lần đầu tiên, trong cùng một thời điểm, chúng ta có 3 đội tuyển hoàn toàn khác biệt cùng dưới quyền quản lý của một HLV. Quan trọng hơn, mọi thứ vẫn ổn. Đấy là thu hoạch đáng giá nhất từ trận giao hữu nội bộ nói trên.

Rất nhiều lần, bóng đá Việt Nam cứ nhập nhằng giữa đội lớn và đội trẻ. Chúng ta đặt ra nhiều mục tiêu, rồi cố gắng dùng đội hình tốt nhất để đạt được nó, vô tình không tạo được sự cạnh tranh công bằng ở đội tuyển khi mà nhiều cầu thủ khoác áo cả 2 đội. Lần này, đội U22 với những gương mặt mới toanh vẫn có thể đường hoàng chơi bóng cùng đội hình B của tuyển.

Mà đội hình B này cũng đâu có yếu, với cầu thủ xuất sắc nhất V-League Văn Quyết và tiền đạo trẻ được thầy Park yêu quý là Hà Đức Chinh lĩnh xướng hàng công. Như vậy, trong tay HLV Park Hang –seo hiện nay có ít nhất 60 cầu thủ giỏi để ông “chơi cờ mù”, đó là điều mà chưa từng có HLV tiền nhiệm nào có. Hạnh phúc của ông Park cũng là tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam khi nhìn về tương lai.

Tin cùng chuyên mục