Tung ra 14 cú dứt điểm so với 8 của Atletico, trung bình 58,9% tỷ lệ kiểm soát bóng so với 41,1% của đối thủ… cùng với đó chỉ số tắc bóng, qua người và giành chiến thắng trong những pha tranh chấp bóng trên không, Real đều vượt trội so với đối thủ. Điều này cho thấy, Real trong trận Siêu cúp chơi không tệ. Ngược lại là đằng khác, Los Blancos bắt đầu định hình và duy trì lối chơi mới HLV Julen Lopetegui áp dụng. Đó là kiểu chơi thuần phong cách tuyển Tây Ban Nha trước đây, và cũng kiểu chơi mà Chủ tịch Florentino Perez đều muốn thấy ở mọi HLV của Real.
Nhưng có sự khác biệt triết lý giữa kỷ nguyên Real - Lopetegui và Real - Zidane. Không phải vô cớ mà tờ Live Soccertv giật tít: “Sư ra mắt của Lopetegui cho thấy tại sao đôi giày mà Zidane để lại khó thể bị lấp đầy”.
Câu chữ đơn giản mang hàm ý rất rộng. Không màng đến nhiệm bất khả thi với Lopetegui khi tìm kiếm được số danh hiệu giống Zidane mang về cho Real. Thiết thực hơn, Zidane mở màn những trận chung kết đâu bao giờ tệ như thế này. Ngoài bị loại Cúp nhà Vua, mất chức vô địch La Liga. Những trận chung kết của Real, Zidane đều làm rất tốt.
Ngày Zidane thay thế Rafa Benitez, chiến lược gia người Pháp làm gì có thời gian hòa nhập, thổi triết lý bóng đá vào các học trò. Vậy mà cuối mùa 2015-2016, vẫn vô địch Champions League đó thôi. Trong trận chung kết Champions League mùa đó, xuyên suốt 90 phút, Real nào có áp đảo Atletico hoàn toàn (kiểm soát bóng 48% so với 52% của đối thủ). Ngay cả khi không áp đảo hoàn toàn, Real cũng chẳng ào ào vội dâng cao tấn công giành lại thế trận, chỉ “cù nhầy” trước khi vào định đoạt ở loạt luân lưu. Với Zidane, ông từng nói bản thân yêu cái triết lý bóng đá đẹp, nhưng đẹp và đẹp đúng chỗ là chuyện khác nhau hoàn toàn. Và khi không cần đẹp, cái triết lý “cù nhầy” vốn dĩ điểm khác biệt để làm nên thành công của Zidane mà Lopetegui không có.
Kế đến, triết lý thực dụng. Dưới thời Zidane, khi Real vượt lên dẫn trước ở những trận chung kết mà đặc biệt là hiệp hai, rất khó có thể cho đối thủ tìm kiếm bàn thắng. Ngoài xoay chuyển đội hình theo thế thủ, Real - Zidane còn thực dụng đến mức tàn nhẫn. Đối chiếu lại với Real - Lopetegui khi Sergio Ramos nâng tỷ số lên 2-1, Los Blancos hoàn toàn không có được điều này. Ào ào triển khai tấn công, vội vã mang tư tưởng kết liễu đối phương bằng một màn vùi dập. Song, chỉ nhận lại kết cục bị thảm. Để rõ hơn về sự “phóng túng tiêu cự” ấy trong lối chơi của Real - Lopetegui, ngoái mắt lại thống kê lịch sử. Kể từ sau Michael Keeping dẫn dắt Real đối đầu Celta Vigo vào tháng 2-1948 tới nay, chưa có HLV nào của Real ra mắt trận mở màn nhận 4 bàn thua hoặc nhiều hơn như Lopetegui.
Mặt khác, có thể viện cớ chi thất bại là không có Cristiano Ronaldo. Đấy là lý do quan trọng khiến tờ Marca giật tít: “Kết quả tại Siêu cúp khiến Real tự hỏi lại rằng liệu có cần ký thêm những bản hợp đồng mới hay không?”
Tân binh Vinicius Junior đâu phải người thay thế xứng đáng Ronaldo. Gareth Bale cũng càng không. Nếu xứng đáng, Marcelo đâu lặng lẽ tiến vào đường hầm mà khóc vì bản thân không tìm được đối tác ưng ý bên hành lang cánh trái. Nếu xứng đáng, sau thất bại, Casemiro đâu chua xót gợi nhớ lại hình bóng Ronaldo: “Đúng vậy. Chúng tôi không giấu một sự thật là chúng tôi rất nhớ Ronaldo. Mọi đội bóng trên thế giới đều cảm thấy nhớ khi cậu ấy ra đi.”
Với Real, thất bại này đến theo lẽ tự nhiên, không có gì bất ngờ khi lỗi một phần do Chủ tịch Perez và HLV Lopetegui. Còn chấp nhận thất bại này ra sao, và điều chỉnh theo hướng nào, ắt Perez và Lopetegui rõ hơn ai hết. Chỉ có điều… đôi lúc cũng không phải ai cũng đồng thuận với những gì cả hai làm, và sự so sánh về thành công triều đại của Zidane sẽ khó tránh khỏi!