
Nếu đứng ở góc độ doanh nghiệp, chuyện một chuyên gia người nước ngoài như ông Kazuyoshi Tanabe làm Phó tổng tại VPF là quá đỗi bình thường. Nhưng với bóng đá Việt Nam, đấy là cả một cột mốc quan trọng nếu không nói, tính chất của nó chẳng kém gì việc ra đời của công ty VPF.
Vấn đề không phải là ông Tanabe sẽ làm được gì. Bởi dù giỏi đến mấy, ông Tanabe cũng chỉ có một mình, cũng đóng vai trò tư vấn ở cương vị cấp phó. Ông cũng chẳng có đủ thời gian để thay đổi bất kỳ điều gì khi mùa bóng đá chuẩn bị khởi tranh. Nói cách khác, ông cũng chỉ là một “cánh én”, sao làm nên nổi “mùa xuân” cho bóng đá Việt.
Vấn đề nằm ở chỗ, sự có mặt của ông Tanabe phát đi một tín hiệu về thay đổi tư duy của bóng đá Việt. Đấy là thông điệp: bóng đá Việt Nam cần có thêm những bộ não nước ngoài để cải thiện tình hình phải nói là hết sức u ám hiện nay. Các giải bóng đá nội địa không “chết”, nhưng nó đang “sống” rất khổ sở khi lạc lối, chẳng biết đi về đâu. Sự có mặt của ông Tanabe coi như là một chiếc đèn đường chỉ ra một lối đi khả dĩ để còn biết mà tiến tới.
Hơn cả thế. Từ sau khi chuyên gia Rainer Winfeld về nước chục năm trước đến nay, bóng đá Việt Nam thiếu hẳn chuyên gia nước ngoài đóng vai trò cố vấn. Không thể xem các HLV ngoại là chuyên gia bởi họ bị “đóng khung” trong các bản hợp đồng có mục tiêu cụ thể. Bóng đá Việt Nam rất cần có một bộ óc tiên tiến ở vai trò phác thảo chiến lược.

Làng bóng đá Việt liệu có thay đổi sau khi ông Tanabe xuất hiện? Ảnh: Hoàng Hùng
o0o
Tuy nhiên, người ta đang tự hỏi: sự có mặt của ông Tanabe xuất phát từ sự thay đổi về tư duy của bóng đá Việt Nam hay chẳng qua vì tình thế?
Hỏi như vậy cũng có lý do. Thứ nhất, việc thuê chuyên gia Nhật Bản này xuất phát từ cách nhìn của Chủ tịch công ty VPF Võ Quốc Thắng, một người có thói quen sử dụng chất xám nước ngoài tại doanh nghiệp và CLB của mình. Thứ hai, dõi theo một loạt động thái mới đây, nhất là việc ngân sách VFF đang hoạt động dựa trên tài trợ của một loạt doanh nghiệp toàn cầu đến từ Nhật Bản, thì có thể sự thay đổi nhân sự này chẳng qua là một sự lệ thuộc tương đối từ những nhà tài trợ cũng như mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Ai cũng biết, chọn được người Nhật làm “thầy” thì chẳng có gì phải bàn cãi. Bóng đá Nhật phát triển thế nào, chẳng ai không biết. Nói cách khác, kể cả là thay đổi tư duy hay tình thế thì việc hợp tác với bóng đá Nhật vẫn là một tin vui cho bóng đá Việt Nam bởi rốt cục, cũng đã có một lộ trình để phát triển làng cầu nội địa.
Nhưng tại sao đến bây giờ, chúng ta mới chọn con đường này mà đi? Phải chăng, sự thay đổi này đến từ việc VFF sắp có một nhiệm kỳ mới? Phải chăng, chính sự bảo thủ của 2 nhiệm kỳ gần nhất đã là vật cản khiến cho suốt gần một thập niên làm chuyên nghiệp qua, bóng đá Việt Nam cứ loay hoay bắt chước các mô hình Thái Lan, Malaysia, Singapore… thậm chí cả châu Âu rồi mắc kẹt trong mớ bòng bong của chính mình.
Thành ra, cũng hy vọng vào sự xuất hiện của ông Tanabe là tiền đề cho một sự thay đổi mạnh hơn tại VFF, điều quan trọng bật nhất mà bóng đá Việt Nam phải làm.
Hồ Việt