Cho nên, trước mỗi cuộc tranh tài, bên cạnh sự chuẩn bị về chuyên môn, các HLV còn phải canh cánh nỗi lo VĐV của mình sử dụng các loại thuốc chữa trị chấn thương, thuốc bổ mà dính doping, đến mức bị tước huy chương, bị cấm thi đấu, tác động xấu đến hình ảnh và uy tín của thể thao nước nhà.
Trước thềm Asiad 19, cử tạ Việt Nam buộc phải siết lại đội hình, chọn lựa ra những gương mặt tốt nhất ở các hạng cân đang thi đấu cho hành trình tìm kiếm tấm HCV đầu tiên ở đấu trường này (thành tích tốt nhất trong những lần tham dự trước đây chỉ là HCB). Do Asiad 19 không tổ chức thi đấu hạng cân 55kg nam, hạng cân mà đô cử Lại Gia Thành vừa giành ngôi vô địch thế giới 2023, nên cơ hội tranh chấp huy chương cao nhất giảm đi đáng kể. Theo ông Nguyễn Huy Hùng, phụ trách môn cử tạ của Cục TDTT, các gương mặt được chọn (Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Trần Anh Tuấn, Trần Minh Trí, Phạm Đình Thi, Quàng Thị Tâm và Hoàng Thị Duyên) đều có khả năng tranh đoạt thành tích, sau khi đã chứng tỏ được năng lực ở sân chơi SEA Games.
Vấn đề mà cử tạ Việt Nam luôn lưu tâm chính là hướng các đô cử vào việc ngăn chặn sớm và hiệu quả để không vướng vào rắc rối doping. Tất cả các tuyển thủ cử tạ kể trên, cũng giống như các tuyển thủ ở các môn khác, đều đã trải qua đợt tập huấn và được cấp chứng chỉ phòng chống doping theo yêu cầu bắt buộc từ Cơ quan phòng chống doping thế giới. Đây được xem là động thái cần thiết trước các cuộc tranh tài lớn, để giúp không chỉ thể thao châu Á, mà còn cả thể thao thế giới gìn giữ được sự công bằng, trong sạch và liêm chính khi thi đấu.
Cạnh tranh sòng phẳng để đem về thành tích cao nhất vừa giúp xây dựng hình ảnh cho chính VĐV, vừa giúp nâng tầm vị thế cho cả nền thể thao quốc gia. Đấy cũng là cái đích mà Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khuyến cáo các thành viên của mình hướng đến, để tạo nên một môi trường thể thao thực sự chuyên nghiệp và chỉn chu.