Theo đó, 4 công trình trọng điểm sẽ được sửa chữa bằng nguồn kinh phí nói trên, gồm Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (SVĐ Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước), Trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn), Nhà thi đấu Đại học TDTT Bắc Ninh, đường đua xe đạp tại tỉnh Hòa Bình sẽ sớm được thực hiện.
Ngoài thủ đô Hà Nội là địa điểm đăng cai chính của đại hội, có thêm 11 tỉnh, thành lân cận khác sẽ chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và tận dụng các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác để tập trung cho sự chuẩn bị và tổ chức. Đầu tháng 3, UBND TP Hà Nội cho biết đã chi 597 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa các công trình đang quản lý để kịp tiến độ tổ chức đại hội thể thao khu vực.
Trong chuyến kiểm tra và đánh giá tiến độ chuẩn bị SEA Games 31 của Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh rằng đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực là vinh dự và trách nhiệm của ngành thể thao Việt Nam cũng như của Thủ đô Hà Nội, nên tất cả các hạng mục công việc phải được thực hiện thật chu đáo, kỹ lưỡng. Thời gian từ nay đến ngày khởi tranh SEA Games 31 không còn bao xa, Hà Nội phải hoàn thành sớm nhiệm vụ được Ban tổ chức trung ương giao, để cùng 11 tỉnh, thành khác sẵn sàng đón tiếp các đoàn thể thao trong khu vực đến tranh tài.
Hiện tại, theo ông Hoàng Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 thuộc Tổng cục TDTT), Tiểu ban chuyên môn đang rà soát và đánh giá trước khi tham mưu cho Ban tổ chức SEA Games 31 phê duyệt chính thức các địa điểm sẽ đăng cai, lịch thi đấu theo từng môn trong tháng 3 này.
Theo ban tổ chức, dự kiến số tiền thu về từ việc tổ chức SEA Games 31 vào khoảng 285 tỷ đồng, trong đó thu từ tiền đóng góp ăn, ở của các đoàn là 135 tỷ đồng, tiền bán vé khoảng 60 tỷ đồng và tiền từ các nguồn tài trợ khoảng 70 tỷ đồng… Còn đối với ASEAN Para Games 11, nguồn chi từ trung ương cho công tác tổ chức gần 290 tỷ đồng, nguồn thu về dự kiến khoảng gần 40 tỷ đồng.