Hôm qua (27-4), Nguyễn Tiến Minh vươn lên xếp hạng 18 thế giới, tăng 3 bậc so với thời điểm bốc thăm cho giải VN Challenge 2009 (hạng 21), và chưa tính điểm thưởng của chức vô địch mới toanh này. Vừa nói chuyện, vừa co duỗi chân phải để xem đầu gối vừa bị đau ở trận bán kết còn “sượng” không, Nguyễn Tiến Minh trải lòng với SGGP Thể Thao về những trăn trở của mình.
- Cái gối phải của anh bị nặng không? Hẳn là nó khiến anh vất vả trong trận chung kết vừa qua?
![]() |
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh |
- Ở trận bán kết, tôi bị va đập mạnh gối phải xuống sàn khi đang thi đấu với tốc độ cao nên lúc ấy đau lắm. HLV còn sợ tôi phải xin bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng may là bây giờ, không có dấu hiệu gì về chấn thương. Nói vui là cần cám ơn cái gối bị đau này, khiến tôi rất thoải mái tâm lý ở trận chung kết vì “mình đau chân rồi, còn gì đâu để mất”, cộng với việc nắm rõ lối đánh của đối thủ nên tôi lần đầu tiên đăng quang một giải quốc tế ở Hà Nội. Đây là trận chung kết thi đấu quốc tế làm cho tôi hài lòng nhất.
Tôi cám ơn BHL luôn theo sát tôi trong tập luyện, dù không hề có chuyên gia từ sau Olympic 2008 đến nay. Ở giải này, HLV Nguyễn Thế Huy hỗ trợ tôi từ đầu đến cuối, HLV Hồ Văn Lợi “chia lửa” 2 trận cuối. Đáng tiếc là, tôi có tiền thưởng của nhà vô địch, BHL lại chẳng được gì, mà điều này không chỉ diễn ra ở một giải cầu lông quốc tế này.
- Nhân lúc anh vừa nói về chế độ khen thưởng, tôi muốn hỏi chuyện anh băn khoăn về lương bổng ở TPHCM thực tế ra sao? Hay anh muốn thi đấu cho đơn vị khác?
Sau khi không được dự 2 giải ở Anh và Thụy Sĩ, đi đến đâu, cả người quen lẫn người lạ đều hỏi tôi về chuyện này. Không ít người còn lo lắng là liệu tôi có sốc, hoang mang và sa sút thành tích không.
Là VĐV đỉnh cao, áp lực duy trì phong độ rất lớn và áp lực càng nhiều hơn khi tập luyện trong điều kiện còn hạn chế ở Việt Nam. Lòng tôi luôn muốn ở lại thi đấu cho TPHCM đến khi nào giã từ sự nghiệp mới thôi. Bởi lẽ TPHCM là nơi tôi nhận được nhiều sự đầu tư, nơi mà đồng đội tôi có người trở thành bạn trong đời thường, và bây giờ họ vẫn chịu thiệt thòi làm “quân xanh” cho tôi.
Nhưng khi có đơn vị mời gọi nhiệt tình, có trách nhiệm và chế độ ưu đãi tốt (không chỉ lương hơn chục triệu hàng tháng mà còn lo kinh phí thi đấu, tập huấn quốc tế, tìm tài trợ để cải thiên thu nhập), làm sao tôi tránh khỏi vấn vương suy nghĩ này nọ.
Hiện nay, tôi đang đợi ngành TDTT TPHCM đánh giá đúng công sức và đầu tư cho tôi có sức bật mới về chuyên môn vì tôi cũng được lãnh đạo ngành động viên là sẽ có chế độ đặc biệt cho những VĐV đạt thứ hạng thế giới khi tôi sắp ký hợp đồng mới cho 4 năm tới. Nên hiện tại, tôi chưa thể nói mình sẽ đi hay ở.
- Tôi thấy ngành TDTT TPHCM và T.W chuẩn bị kế hoạch thi đấu quốc tế cho anh hơn chục giải trong năm nay. Vậy sự đầu tư này còn cần bổ khuyết gì để anh phát triển hơn nữa?
- Trong 4 tháng đầu năm nay, tôi đấu 4 giải quốc tế rồi và nhận thấy mình giống như dậm chân tại chỗ, còn các tay vợt khác tiến bộ đến mức... kinh dị! Chỉ nhìn Malaysia thôi, giải Super series tại đó, tôi thua số 1 thế giới Lee Chong Wei ở vòng 1/16. Nhưng thua mà vui vì mình được cọ xát với cao thủ thi đấu chính xác như máy vi tính được “cài đặt” sẵn chương trình.
Cần nói rõ, tôi đã chạm trán Lee Chong Wei 3 lần trong gần 6 năm qua, lần nào gặp lại anh ấy cũng làm tôi… choáng váng vì luôn có cái gì mới mẻ, nguy hiểm và hiệu quả hơn. Hoặc tay vợt Malaysia Chan Kwong Beng vừa thua tôi ở bán kết, trẻ hơn hẳn tôi mà phòng thủ kín và tự tin đáng ngạc nhiên.
Cái thiếu lớn nhất của tôi hiện nay là đối tượng tập luyện. Mỗi buổi sáng, 5 VĐV tuyển nam TPHCM đều phải “xoay vần” trên sân vì tôi, điều này vừa ảnh hưởng đến tâm lý của đồng đội (họ cũng muốn vươn lên chứ đâu thể làm “quân xanh” hoài), vừa không giải quyết tận gốc chuyện tạo sức bật mới cho tôi.
Dĩ nhiên, tôi hiểu tình thế của mình, nên chịu khó “cày” thể lực và cố gắng đạt 100% yêu cầu của bài tập để “lấp” bớt phần nào sự thiếu hụt đối tượng cọ xát. Nhưng để tôi cải thiện thứ hạng thế giới, không thể chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và thể lực mà “giết” các cao thủ quốc tế nữa.
Hiện nay, Malaysia thuận lợi hơn Việt Nam vì đội ngũ HLV, VĐV đều có nghề và đông đảo. Nhưng Singapore thì không được vậy, nên họ chấp nhận thuê “quân xanh” của Indonesia, thậm chí một số VĐV giỏi còn được nhập tịch thi đấu cho họ luôn. Vì vậy, tôi đang chọn giải pháp tự túc chi phí tập huấn ngắn hạn ở Singapore để có thêm đối tượng cọ xát (từ ngày 1 đến 21-5, Nguyễn Tiến Minh sẽ tập luyện cùng đội tuyển Singapore bằng tiền túi-PV).
Ngoài ra, hàng loạt cái thiếu khác, như thường xuyên thiếu HLV đi kèm khi thi đấu quốc tế, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế, tâm lý và sức khỏe phù hợp với phát triển đỉnh cao (gia đình VĐV tự… bơi)… càng khiến tôi băn khoăn về định hướng vươn xa hơn trong thế giới cầu lông.
- Nghe anh nói, tương lai giống như một màu xám…
- Đành làm quen với thực tế mình đang sống, vì cá nhân một VĐV không thể giải quyết các khó khăn nêu trên.
THỤC OANH thực hiện