Tiền đạo chủ chốt Didier Ya Konan nói gì sau khi đội Hannover của anh thất thủ 1-4 trên sân Borussia Dortmund trong vòng đấu cuối tuần qua tại Bundesliga? Ai cũng biết, đấy là trận đấu mà Hannover dẫn điểm cho đến khi thời gian chỉ còn hơn nửa giờ. Đấy là trận đấu có ảnh hưởng lớn đến khả năng dự Champions League của Hannover cũng như khả năng vô địch của Dortmund.
Nhưng Ya Konan lại không nói gì về trận đấu ấy. Anh cũng chẳng còn chút tâm trí nào để nói về khía cạnh chuyên môn. Ya Konan chỉ kể lại cú điện thoại liên lạc với gia đình ở Bờ Biển Ngà ngay khi trận đấu kết thúc. Anh kể: nhà của người thân bị tấn công, bị hôi của. Anh chỉ nói về nỗi lo cho sự an toàn của gia đình mình ở Abidjan…
Một thời, cũng chỉ cách đây vài năm, bóng đá giúp Bờ Biển Ngà hàn gắn những vết thương chiến tranh. CAN 2006 làm cho các bên thù nghịch trong cuộc nội chiến xích lại gần nhau để cùng tận hưởng niềm vui. Suất dự World Cup 2006 cũng vậy.
Hồi ấy, cứ như Bờ Biển Nga là một trong những đất nước hiếm hoi thật sự thanh bình ở châu Phi. Người ta cùng nhau nhảy múa, cùng nhau uống “bia Drogba” và tán thưởng vinh quang do những Kolo Toure, Didier Zokora hoặc Emmanuel Eboue đem về cho đất nước mình.
Giờ thì ngược lại: chiến tranh làm hỏng bóng đá. Các ngôi sao Bờ Biển Ngà đang thi thố tài nghệ ở châu Âu, như Ya Konan, còn không tập trung được tinh thần vào việc chơi bóng của họ, nói gì đến các cầu thủ còn đang “kẹt” ở quê nhà.
Bây giờ, giới hâm mộ bóng đá Bờ Biển Ngà không còn tâm trí để bàn xem Drogba sẽ làm được gì trong trận đấu kế tiếp của Chelsea, hoặc về khả năng Gervinho gia nhập Liverpool nữa. Thay vào đó là những đề tài “rỉ tai nhau”, xem làm cách nào để cất giữ chút tài sản hiếm hoi, làm cách nào để thoát ra khỏi đất nước đang có nội chiến.

Niềm vui của các cầu thủ Bờ Biển Ngà trong trận giao hữu với Mali cách đây 1 tháng.
Khi đội tuyển Bờ Biển Ngà thi đấu ở vòng loại CAN 2012, như ở trận thắng Benin 2-1 vừa qua, họ phải mượn Accra (Ghana) làm sân nhà. Và thay vì theo dõi hành trình của ĐTQG, người dân Bờ Biển Ngà trong những ngày này chỉ lo không biết lấy gì để ăn. Lương thực khan hiếm, chợ đóng cửa. Vài nơi dù có truyền hình cũng chẳng có hình ảnh nào liên quan đến bóng đá, đến những Drogba hoặc Ya Konan.
Một cầu thủ Bờ Biển Ngà lang thang ở Accra gặp cánh phóng viên châu Âu. Anh cho biết: CLB của mình ở Abidjan đã giải tán. Các cầu thủ được cho ít tiền để tự lực cánh sinh, lặn lội sang Ghana. Nếu không tìm được CLB để chơi bóng thì ít ra họ cũng tìm được nơi để sống.
Bây giờ, dĩ nhiên là không có chuyện các tuyển trạch viên đổ xô đến Bờ Biển Ngà để tranh thủ tìm kiếm “Drogba mới” nữa. Chỉ có câu hỏi ngược lại: các cầu thủ Bờ Biển Ngà còn đang kẹt lại trong nước oán trách Drogba hoặc anh em nhà Toure: “Họ ở đâu, đang làm gì, có biết gì về những đồng bào của mình?”.
Người ta nhắc chuyện George Weah từng bỏ tiền túi giúp các cầu thủ Liberia thoát khỏi khói lửa chiến tranh, mua vé cho họ tị nạn ở khắp các nước châu Phi.
Sở dĩ các cầu thủ Bờ Biển Ngà đều giấu nhẹm tên hoặc CLB của mình, kể cả khi đã thoát được sang Ghana, là vì chính họ cũng chưa dám chắc đã được an toàn hay chưa. Còn phải xem từng cầu thủ, thậm chí từng thành viên trong ĐTQG Bờ Biển Ngà, là người xuất thân từ khu vực nào trong cuộc nội chiến, xem họ là bạn hay là kẻ thù của nhau nữa. Bóng đá Bờ Biển Ngà tan nát đến nơi rồi.
TIỂU QUYÊN