Dàn âm thanh và loa điện trên khán đài sân Tam Kỳ ở trận QNK. Quảng Nam – Than QN có giúp cho sự cổ vũ trở nên sôi động hơn hay không? Sôi động hơn thì chưa nhận ra nhưng thứ cảm nhận được là sự ồn ào quá mức.
Mọi người vào sân là để tập trung chú ý theo dõi cầu thủ 2 đội tranh tài dưới sân nhưng cuối cùng phải tìm cách để thoát khỏi âm thanh của những bài hát vượt quá mức bình thường đó. Thực ra, người hâm mộ vào sân mà tiếp sức tốt nhất cho đội nhà bằng cách hò hét, làm những làn sóng người trên khán đài tạo ra thứ âm thanh vừa phải và đầy phấn khích, chứ không phải biến khán đài thành… sân khấu ca nhạc với những bài hát liên miên. Có chăng đó là bài hát truyền thống của đội bóng để kích thích tinh thần thi đấu của cầu thủ.
![]() |
![]() |
Không cần đến loa, chỉ có trống, kèn và chảo, CĐV Nhật Bản cũng có thể làm náo nhiệt 1 góc khán đài B.Bình Dương khi đội nhà thi đấu. Ảnh: H.Hùng – D.Phương
Một vài cầu thủ mà chúng tôi hỏi chuyện cũng không khoái dàn âm thanh và loa điện của Than Quảng Ninh như vừa rồi. Đôi khi âm thanh quá lớn của loa điện dễ khiến cầu thủ dưới sân mất tập trung và không nghe được hiệu lệnh còi của trọng tài. Nói tóm lại, dàn âm thanh ấy phá vỡ bầu không khí quen thuộc của một trận bóng đá.
Thử hình dung sân vận động sẽ như thế nào: khán giả có bỏ về hay không, cầu thủ và trọng tài dưới sân có thi đấu được hay không khi mà 2 hội CĐV đua nhau mở hết công suất dàn âm thanh của mình.
Điều lệ V-League 2016 không có quy định cấm sử dụng loa, dàn âm thanh công suất lớn cổ vũ cho bóng đá thì không có nghĩa bây giờ VPF đưa ra văn bản mới quy định điều đó là trái luật. Tuy có sự thiếu tròn trịa trong điều lệ đầu giải nhưng nó chứng tỏ sự nỗ lực sửa sai, hoàn thiện trong công tác điều hành giải đấu ngày một tốt hơn của VPF. Mà chuyện cấm này cũng nằm trong quy định của FIFA, ở mục 4 (các vật dụng bị cấm) điều “q” và “r” có nêu rõ là cấm những công cụ được điều khiển bằng máy móc với mục đích tạo âm thanh ồn vượt mức cho phép như loa, máy phát thanh, còi, còi hơi...
HOÀNG HƯNG