Sơ kết Euro 2008

Bàn thắng giá trị nhất: Philipp Lahm và pha ghi bàn để đời
Sơ kết Euro 2008

Bàn thắng giá trị nhất: Philipp Lahm và pha ghi bàn để đời

Hậu vệ cánh trái của tuyển Đức đã chơi một trận kém cỏi khi vất vả trong việc cản phá mũi nhọn Kazim Kazim của Thổ Nhĩ Kỳ. Philipp Lahm xứng đáng là kẻ tội đồ của đội tuyển Đức khi không quán xuyến được hành lang trái và chịu trách nhiệm trong cả 2 bàn thua ở trận này.

Sơ kết Euro 2008 ảnh 1
Philipp Lahm trong pha ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 cho đội tuyển Đức ở trận bán kết gặp TNK.

Nhưng đường chuyền phút 79 của Lahm cho Miroslv Klose ghi bàn đã giúp anh đoái công chuộc tội và bàn thắng quyết định thắng lợi ở phút 90 đã giúp anh gột bỏ mọi ngờ vực để giành giải cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.

Đó là tình huống Lahm dâng cao ở biên trái, anh nhận bóng khi các hậu vệ Thổ đã lui về phòng thủ dày đặc trước khu cấm. Bất ngờ, Lahm thực hiện đường chạy đến 40 mét, anh đi bóng vượt qua một tiền vệ chắn mặt mình, đảo người vào giữa, dấn thẳng đến mép khu cấm trước khi chuyền ngang cho Thomas Hitzlsperger.

Lahm đã gây bất ngờ kế tiếp cho hàng thủ Thổ khi lẻn vào khu cấm để nhận đường tỉa bóng sắc sảo của Hitzlsperger, đó là lúc thủ thành Rustu Recber lao ra cản phá nhưng Lahm với bản năng ghi bàn thiên phú của mình đã khéo léo đánh lừa đối thủ và liều lĩnh dứt điểm bằng chân phải vào ngay góc hẹp.

Hãy nhớ rằng Lahm là một hậu vệ chứ không phải là chuyên gia săn bàn trên hàng tấn công nhưng pha dứt điểm của anh thì không thể chê vào đâu được. Hãy nhớ rằng đó là thời điểm nhạy cảm khi Lahm vừa phạm sai lầm khiến Thổ gỡ hòa chỉ 4 phút trước đó.

Bàn thắng thể hiện bản lĩnh và thần kinh thép của người Đức, thể hiện sự kết hợp ăn ý và chính xác giữa các cầu thủ  - vì sao Hitzlsperger không chuyền cho Bastian cách đó vài mét mà lại chuyền cho Lahm?

Trên tất cả, cái đẹp của bàn thắng là sự hoàn hảo từ đầu đến cuối và nó là một pha bóng không thể cản ngăn. Hơn thế, nó được xem là bàn thắng giá trị nhất khi mang lại chiến thắng quý giá để đưa Đức vào chung kết và khiến Lahm lột xác từ kẻ tội đồ trở thành người hùng của Đức.

NHẬT TÂN
 

Bàn thắng ngoạn mục nhất: Wesley Sneijder - quả vô-lê thiên tài

Với lối chơi cống hiến và sự chính xác đến mức hoàn hảo, Hà Lan đã đem đến Euro 2008 vô số những bàn thắng đẹp, nhưng bàn thắng mà chúng tôi cho là đẹp nhất, hoàn hảo nhất chính là bàn thắng thứ 2 trong trận Hà Lan thắng Italia 3-0 ngày 10-6.

Sơ kết Euro 2008 ảnh 2

Sneijder (10) và cú vô- lê tuyệt vời.

Đánh bại nhà vô địch thế giới Italia là điều khó tưởng tượng nổi cho dù bạn là ai chăng nữa. Ghi bàn vào lưới Gianluigi Buffon lại là thách thức lớn lao cho bất cứ tiền đạo nào. Nhưng Wesley Sneijder không phải là tiền đạo và với vai trò tiền vệ dẫn dắt giữa sân, thật khó để anh tiếp cận cầu môn, khi mà cơ hội ghi bàn vào lưới Buffon bằng những quả sút xa là rất mong manh.

Phút 31, Wesley Sneijder đã mang đến một kiệt tác của bóng đá hiện đại bằng bàn thắng quan trọng để đánh gục mọi nỗ lực vùng dậy của Italia.

Từ pha đá phạt góc của người Ý, hậu vệ cánh Van Bronckhorst phá bóng trên vạch cầu môn lên cho Sneijder và Van der Vaart ở ngoài khu cấm địa nhà, hai nhịp giao trả giữa cặp tiền vệ này để bóng phát lên cánh trái, ở đấy, Van Bronckhorst vượt đoạn đường 60m để nhận bóng.

Rồi như thể một ngón nghề đã tập luyện đến mức độ thuần thục, Van Bronckhorst mở đường chuyền chéo sân sang phía cánh phải để tiền vệ cánh Dirk Kuyt chờ sẵn, đánh đầu vào giữa. Sneijder xuất hiện như thể từ dưới đất chui lên, tung quả vô-lê thần sầu vào góc gần, dù Buffon đã lao ra nhanh như chớp.

Pha dứt điểm của Sneijder không chỉ bộc lộ sự nhanh nhạy và sự chính xác của một tay săn bàn mà còn thể hiện phẩm chất kỹ thuật siêu đẳng. Sneijder cũng xuất phát từ sân nhà và dứt điểm ở khu cấm địa Italia, có nghĩa là anh cũng vượt đoạn đường đến 60m để ghi bàn.

Toàn bộ pha phản công chớp nhoáng trên sân Berne (Thụy Sĩ) diễn ra chỉ trong chừng hơn chục giây và nó hoàn hảo, chính xác đến độ đáng sợ, khiến cánh báo chí gán cho nó cái tên: “Bàn thắng chính xác như chiếc đồng hồ Thụy Sĩ”.

NHẬT TÂN

Trận đấu hay nhất: Hà Lan 3-0

Những toan tính của người Italia rốt cuộc cũng bị hủy diệt dưới sức mạnh của “cơn lốc da cam” Hà Lan trong trận cầu được đánh giá là hay nhất VCK năm nay. Cái hay nằm ở chỗ Hà Lan quá... hay! Cho đến trước trận cầu với đội đương kim vô địch thế giới Italia, nhiều người vẫn còn nghi ngờ về sức mạnh tiềm tàng của đội hình tấn công 4-2-3-1 lạ hoắc mà HLV Marco Van Basten sử dụng.

Sơ kết Euro 2008 ảnh 3
Van Der Vaart (23, Hà Lan) trong vòng vây các hậu vệ tuyển Italia

Thế nhưng, chỉ sau khoảng 20 phút đá dồn dập, chiếm lĩnh toàn bộ trung tuyến, đồng thời xé nát 2 cánh của người Italia, cái sức mạnh ấy mới được công nhận là dữ dội và đầy sức hủy diệt. Van Basten thực sự đã làm sống dậy lối đá tấn công tổng lực của “cơn lốc da cam” thuở trước...

Trận ấy, Italia chơi không tệ, thậm chí cũng có nhiều tình huống Luca Toni, Di Natale hay Andrea Pirlo có thể làm nên chuyện trước khung thành của Edwin van der Sar. Nhưng khi cái đội hình vốn rất chặt chẽ ấy thiếu đi mắt xích quan trọng nhất - chuyên gia phòng ngự hàng đầu thế giới Fabio Cannavaro - toàn bộ tính kiên cố của Italia nhanh chóng sụp đổ.

Không còn thủ lĩnh đích thực, các ngôi sao thế giới loay hoay tìm cách gỡ rối ở trung tuyến. Mà chuyện này, vì Van Basten đã “bắt mạch” được từ trước, nên luôn thúc ép học trò đá rát, đá áp sát để luôn đẩy Italia vào tình thế chống đỡ “vuốt mặt không kịp”. Hai “cỗ máy quét” Nigel De Jong và Orlando Engelaar khóa chặt tiền vệ công Andrea Pirlo, đánh bật luôn những Camoranesi, Gattuso và sau đó là Cassano khỏi tư tưởng đột phá cá nhân ở trung lộ.

Phía trên, Hà Lan có hẳn 3 “mũi khoan” Van Der Vaart, Sneijder, Kuyt để gây sức ép, chưa kể tới trung phong Van Nistelrooy luôn chực chờ cơ hội đánh “du kích” khi đối mặt với cặp trung vệ lắp ghép tạm bợ Materazzi-Barzagli.

Có thể cho là bàn mở tỷ số ở phút 26 của Van Nistelrooy là tình huống tranh cãi, nhưng sau đó 5 phút, khi Wesley Sneijder tung chân hạ gục Gianluigi Buffon ở phút 31, mọi chuyện chẳng còn gì để phàn nàn.

Đấy là một tác phẩm bóng đá đích thực. Pha dàn xếp ghi bàn ấy chính thức đánh gục niềm kiêu hãnh của người Italia và chứng tỏ họ đã… già nua trước sức trẻ, khỏe của Hà Lan. Thế nên, bàn thắng thứ 3 sau pha đánh đầu của hậu vệ Van Bronckhorst ở phút 79 chỉ giúp tô vẽ thêm cho chiến thắng ngoạn mục của Hà Lan mà thôi.

Roberto Donadoni đã thua toàn diện trước Marco Van Basten. Đấy là kết luận của chính người Italia về trận cầu hấp dẫn nhất VCK năm nay.

HÀM YÊN
.

Chiến thuật bất ngờ nhất: Đức- Bồ Đào Nha 3-2

Dấu ấn chiến thật của Euro 2008 không phải là 4-3-3 hay 3-4-3 theo xu thế tấn công mạo hiểm mà là sơ đồ 4-5-1 trong sự vận dụng linh hoạt của từng đội bóng. Ngay những ngày đầu giải, Hà Lan đã gây chấn động cả châu Âu bằng chiến thắng vang dội 3-0 trước nhà vô địch thế giới Italia.

Hai trong 3 bàn thắng của họ đến từ những pha phản công lợi hại và nó là sản phẩm của một lối chơi có phần thực dụng hơn là tấn công tổng lực của cơn lốc da cam thuở trước. Điều gây bất ngờ nhất ở trận đấu đó là Italia tấn công bằng đội hình 4-3-3 trong lúc Hà Lan đáp trả bằng sơ đồ lạ lẫm 4-2-3-1.

Hệ thống của Marco Van Basten phòng thủ dựa trên hai tiền vệ năng động và giàu sức chiến đấu De Jong và Engelaar ở trung tuyến, tạo tiền đề cho bộ ba Van der Vaart, Wesley Sneijder và Dirk Kuyt kiến tạo cợ hội ghi bàn trước khung thành đối phương.

Cũng bằng hệ thống đó, Hà Lan quật ngã Pháp đến 4-1 ở trận tiếp theo, nhưng họ phải dừng bước ở tứ kết trước tuyển Nga chơi chặt chẽ và hăng hái. Người ta nói, đội hình có chiều sâu của Hà Lan không thích ứng với hoàn cảnh phải tấn công vây hãm để săn tìm bàn thắng.

Đức cũng khởi đầu giải bằng 4-4-2 truyền thống nhưng khi vào tứ kết họ gây sốc cho Bồ Đàøo Nha bằng đội hình 4-5-1, với bộ ba tiền vệ Ballack, Rolfes và Hitzlsperger quây quần ở vòng trung tâm để cắt đứt những mối liên kết quanh Deco, trong lúc Bastian Schweinsteirger nhấn nhá ở biên phải, đánh đòn hỏa mù, hù dọa điểm yếu của Bồ (vị trí của hậu vệ Ferreira), còn ngón đòn tuyệt chiêu lại là Lucas Podolski - tiền vệ đứng dạt hẳn ra biên trái để chờ cơ hội.

Podolski không tham gia phòng thủ mà “xách xe không” chạy dọc biên trái chờ thời điểm Ballack rảnh chân dấn sang phối hợp với anh. Bồ Đào Nha cực mạnh trong tấn công và họ quá tin tưởng vào khả năng gây sức ép của mình, nên khi trận đấu khởi đầu, họ tin là Đức đã phạm sai lầm khi bố trí Ballack quá sâu khiến khả năng kết dính giữa các cầu thủ tấn công trở nên mờ nhạt, nhưng thực tế Đức chơi thứ bóng đá thực dụng và chỉ rình chờ cơ hội chứ không có tham vọng tấn công trận địa.

Đức đã thành công ngay pha phản công đầu tiên của mình khi Ballack bật tường với Podolski trước khi bóng được chuyền sệt vào cho Schweinsteirger ghi bàn. Khi đã có bàn thắng trong tay, Đức nắm đằng cán và họ biết cách duy trì ưu thế của mình đến phút cuối cùng khi khuyến khích cầu thủ đi bóng buộc đối phương phạm lỗi để thắng bằng những pha không chiến sau đó.

Chiến thắng của Đức là thắng lợi của bóng đá phản công và tính khoa học trong vận hành hệ thống. Họ hù dọa đối thủ bằng bóng bổng nhưng ghi bàn bằng bóng sệt. Yếu tố bất ngờ trong chiến thuật của Đức thật đáng cho tất cả chúng ta ngưỡng mộ.

THANH NHƯ

Chiến thuật thành công nhất:Tây Ban Nha - tấn công từ trục giữa

Yếu tố quyết định trong bóng đá hiện đại là tấn công dàn trải và căng đối thủ theo chiều ngang hoặc chiều dọc sân để khoét vào những khoảng trống bất ngờ xuất hiện. Thành tựu của bóng đá tấn công là tốc độ đưa bóng về phía trước để gây hoảng loạn cho hệ thống phòng thủ đối phương. Nhưng kỳ lạ thay, đó không phải là những gì Tây Ban Nha thể hiện trong những chiến thắng rõ rệt của họ.

Điểm mạnh của TBN là tuyến tiền vệ trẻ trung và năng động, là tốc độ phản công cực nhanh của hai tiền đạo giỏi chạy nước rút. Vì thế khi đối đầu với TBN, Nga tổ chức phòng thủ lùi sâu để chống lại tốc độ của cặp Villa và Torres, nhưng họ không chống lại chiến thuật lạ đời của Luis Aragones.

Thay vì trải các tiền vệ tấn công theo chiều ngang, Aragones bó họ vào giữa, chiếm lĩnh trung tuyến trước khi lấy đó làm bàn đạp để tấn công trung lộ. David Silva và Iniesta mang tiếng là hai tiền vệ cánh nhưng mấy khi người ta thấy họ đi bóng dọc biên, ngược lại, họ chơi rất gần Xavi để phối hợp bật tường hoặc rê bóng để chiếm trục giữa, từ đấy, họ tỏa đi, lao thẳng vào phòng tuyến đối phương để thực hiện những cú đánh 2 mạn sườn.

Lối chơi ngắn nhỏ này trở thành tủn mủn và chậm chạp trước hàng thủ kiên cố của người Ý nhưng nó lại hữu dụng trong việc gây hoảng loạn cho người Nga. Nó buộc đối thủ phải chạy theo bám đuổi và nhanh chóng hết hơi. Lúc đối thủ xuống sức cũng chính là lúc TBN tung đòn chí tử để phá vỡ phòng tuyến như bàn thắng của Xavi với cú đệm bóng trực diện khi anh một mình xâm nhập khu cấm.

Tây Ban Nha quả đã tìm ra cho mình một lối chơi hết sức khó lường mà các đối thủ ở Euro này không sao tìm ra cách hóa giải. Vì thế chiến thuật “bu vào trục giữa” của Aragones được coi là chiến thuật thành công nhất ở Euro 2008 cho dù nó có không ít điểm yếu khi gặp những trường phái dài-bổng của người Anh.

TIẾN TRUNG

Cầu thủ xuất sắc nhất: Andrei Arshavin hay Michael Ballack ?

Trước trận chung kết, UEFA đã chọn lựa đến 6 cầu thủ ganh đua danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải, nhưng chúng tôi muốn gói gọn trong 2 nhân tố nổi bật nhất và xứng đáng nhất: Andrei Arshavin và Michael Ballack.

Sơ kết Euro 2008 ảnh 4

Tiền vệ Michael Ballack - linh hồn của tuyển Đức.

Xét trên góc độ thành công của 2 đội bóng Nga và Đức ở VCK năm nay, cả hai tiền vệ này xứng đáng được trao cùng danh hiệu. Tất nhiên, đấy vẫn là một ý kiến chủ quan, bởi trong cuộc chơi, người thắng, kẻ thua phải được phân định rõ ràng.

Để làm phép so sánh thật chính xác ai tài hơn ai giữa 2 tiền vệ tấn công này ở VCK Euro 2008 là quá khó. Đương nhiên, bởi vì cả Arshavin lẫn Ballack đều là nguồn cảm hứng chính của Nga và Đức trong mọi trận đấu. Thế công của đội bóng mạnh hay yếu, tinh thần của cầu thủ lên hay xuống, khả năng thắng trận nhiều hay ít… đều phụ thuộc vào 2 cầu thủ này.

Họ có những nét tương đồng, đấy là vai trò dẫn dắt thế trận, đấy là thủ lĩnh ở trung tuyến và là trái tim của đội tuyển Nga và Đức. Nhưng bên cạnh đó, ở họ cũng có những khác biệt mà khi dựa vào, giới mộ điệu có thể tìm ra được một yếu tố nho nhỏ để xác định đâu là người trội hơn.

Arshavin thăng hoa dù xuất hiện hơi muộn (từ trận thứ 3), nhưng tỏa sáng ngay lập tức, đưa Nga vượt qua những trở ngại lớn như Thụy Điển, Hà Lan để vào tới bán kết. Người ta sẽ nhớ mãi hình ảnh “đôi chân bão táp” Arshavin đã nhấn chìm “cơn lốc da cam” Hà Lan như thế nào. Người ta cũng sẽ tiếc cho Arshavin và cho cả tuyển Nga vì họ không thể đi đến cuối con đường vinh quang khi bị Tây Ban Nha khôn ngoan chặn lại.

Ở trận bán kết ấy, Arshavin bị vây ráp, bị cắt đứt mối liên lạc với mọi hướng. Arshavin gây thất vọng nhưng sự mờ nhạt của anh xuất phát từ thua kém chiến thuật của người Nga - dường như vẫn còn nét gì đó ngây thơ, “thật như đếm” trong cách chơi của họ.

Về điểm này, Michael Ballack hẳn là vượt trội. “Trái tim” của The Mannschaft có nét lạnh lùng nhưng sẵn sàng bùng nổ, chậm rãi nhưng đầy sáng tạo, đơn giản nhưng luôn khiến mọi đối thủ phải kiêng dè. Nhờ vậy, Đức không vội vã nhưng vẫn tiến xa, rất xa nữa là khác.

 Nếu cho điểm chỉ thuần về tầm ảnh hưởng đến cục diện trận đấu, Ballack cũng sẽ trội hơn Arshavin. Ballack lọc lõi, mưu mẹo hơn vì được thử lửa ở mọi đấu trường đỉnh cao châu lục và thế giới. Chính cái lọc lõi, mưu mẹo ấy đã đưa tiền vệ này tìm đến những thành công.

Giữa một thủ lĩnh khôn ngoan và một tài năng chân chất, bạn sẽ chọn ai?

NGUYÊN KHANG

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá trong nước

U23 Thái Lan tiến bộ và sự cảnh tỉnh cho U23 Việt Nam

Thất bại 0-3 trước U23 Iraq ở trận ra quân U23 Doha Cup 2023 đã phần nào hình dung về một U23 Việt Nam còn quá nhiều điểm khuyết cần được HLV Philippe Troussier điều chỉnh trước khi bước vào SEA Games 32. Nhưng đâu chỉ hàng loạt sai số được bộc lộ rất rõ, Phan Tuấn Tài cùng các đồng đội còn đối diện với sự tiến bộ vượt bậc từ các đối thủ cạnh tranh ở khu vực. 

Bóng đá quốc tế

HLV Mancini phủ nhận liên quan đến việc Man.City bị điều tra

HLV tuyển Italia, Roberto Mancini đã phủ nhận mọi hành vi sai trái trong bối cảnh bị cáo buộc về những khoản tiền lương bất thường trong thời gian dẫn dắt Man.City, và ông không mong đợi bị Premier League liên hệ như một phần trong cuộc điều tra của họ.

Quần vợt

Miami Open: Thoải mái và tự tin, Carlos Alcaraz sẵn sàng “lăn bánh”

Chỉ trong vòng 1 năm trời, mọi thứ cứ như là “Vật đổi - sao dời”. Ở Miami Masters - Miami Open hồi năm ngoái, Carlos Alcaraz đến với giải đấu khi đang xếp Hạng 16 thế giới. Giờ đây, ở giải đấu năm nay, anh quay trở lại Miami Gardens trong tư cách Nhà Đương kim vô địch, và cũng là Đương kim số 1 thế giới...