Khi tấm ảnh cầu thủ Công Phượng, đội trưởng U.19 Việt Nam, bẽn lẽn chụp với các khán giả nữ, đăng trên mạng, nhiều người khen: “Dễ thương”. Nhưng lập tức, cũng có nhiều bình luận khác tỏ ra lo lắng: “Có tài, có danh, phải giữ gìn kỹ, không là có chuyện”. Bài báo có chi tiết cho biết, dù được nhiều khán giả ái mộ, nhưng Công Phượng vẫn có thói quen khép mình, tránh đám đông. Và do hiểu học trò của mình, huấn luyện viên Graechen Guillaume tỏ ra bình thản. Phải chăng, ông có đủ lòng tin vào các học trò và không e ngại rằng họ sẽ dễ sa ngã.
Tại sao nhiều khán giả vẫn lo, như một phản xạ tức thời? Đó là vì những “tấm gương tày liếp” của nhiều cầu thủ của các thế hệ trước. Khi thành danh, có thu nhập cao, nhiều cầu thủ đã nhúng chàm. Bài bạc, cá độ, ăn chơi bạt mạng, nợ nần, hoặc dấn sâu vào các quan hệ phức tạp đến mức bị truy sát… đều có đủ. Và cũng không phải vô cớ, khi hầu hết các câu lạc bộ đã và đang thi đấu ở giải V-League đều phải quản quân theo “mô hình nhà trẻ”.
Bảo là nhà trẻ cũng không quá lời. Bởi các cầu thủ dù đã chơi ở hạng chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam mà vẫn cần phải có người của ban huấn luyện điểm danh khi đi ngủ, kiểm tra giữa đêm khuya, tịch thu điện thoại và bắt ăn hết suất! Ý thức giữ mình để hành nghề một cách chuyên nghiệp vẫn chưa bắt rễ sâu trong nhiều lứa cầu thủ. Và các huấn luyện viên nhiều năm lăn lộn trong môi trường bóng đá ấy quá đủ kinh nghiệm để dè chừng mà không… thả gà ra đuổi!
Chống tiêu cực là một trong những cách thức để bảo vệ cầu thủ, xây dựng bóng đá chuyên nghiệp. Tuy vậy, nhìn cách thức mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vận hành làng bóng lâu nay, chính nhiều người trong cuộc cũng phải phấp phỏng. Không ít ông bầu đã phải lắc đầu rằng quản một câu lạc bộ có mấy chục con người luôn khó hơn quản lý, điều hành một doanh nghiệp có mấy ngàn nhân viên.
Một nguyên do khiến cầu thủ bóng đá Việt Nam dễ hư, chính là do các ông chủ câu lạc bộ. Lối làm bóng đá ăn xổi, dựa chủ yếu vào mua bán sang tay cả câu lạc bộ, nhằm những mục tiêu ngoài bóng đá (quảng bá thương hiệu, đổi lấy ưu đãi hoặc lợi ích khác ở địa phương có đội bóng…) đã làm méo mó dòng tiền đầu tư cho bóng đá. Đa số các đội bóng không xây dựng các tuyến trẻ, mà chỉ chăm chăm chi tiền mua cầu thủ thành danh từ đội khác. Và thế là, hầu hết các cầu thủ không được rèn cặp có hệ thống. Họ chỉ có một mục tiêu là đá bóng kiếm tiền trong khoảng thời gian hành nghề ngắn ngủi.
Khán giả đổ đến sân coi giò cẳng U.19 quốc gia cũng là để tán thưởng cách làm bóng đá có căn cơ của một ông bầu. Nhưng chỉ một ông bầu thì quá ít ỏi và mong manh. Liệu sẽ có bao nhiêu ông bầu muốn căn cơ khi làm bóng đá? Sự hụt hẫng có thể nhìn thấy trước. Và trong khi sướng vì được coi một thứ bóng đá đẹp từ các cầu thủ trẻ, khán giả vẫn cứ phải lo rằng “Coi chừng mấy thằng nhỏ sớm hư”!
VŨ BÁCH