Sẽ có đồng thuận để ra đời Liên đoàn khiêu vũ thể thao Việt Nam?

Chắc chắn, vấn đề môn khiêu vũ thể thao tách khỏi Liên đoàn thể dục Việt Nam qua đó hướng tới hình thành Liên đoàn khiêu vũ thể thao Việt Nam là điều được thảo luận chặt chẽ tại Đại hội Liên đoàn thể dục Việt Nam nhiệm kỳ 6 vào ngày 14-12 này.

Khiêu vũ thể thao đang chờ đợi sẽ tách ra để thành lập Liên đoàn độc lập. Ảnh: N.Q.H
Khiêu vũ thể thao đang chờ đợi sẽ tách ra để thành lập Liên đoàn độc lập. Ảnh: N.Q.H

Đồng thuận cao?

Qua tìm hiểu, một số HLV, VĐV đã làm đơn gởi tới Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL qua đó kiến nghị và đề xuất việc cần tách môn khiêu vũ thể thao ra khỏi Liên đoàn thể dục Việt Nam đồng thời hướng tới thành lập Liên đoàn khiêu vũ thể thao Việt Nam. Ba năm trước, năm 2019, văn bản xin thành lập Liên đoàn khiêu vũ thể thao Việt Nam đã được gởi tới lãnh đạo ngành và những người đứng tến khi đó là các HLV đồng thời là cựu kiện tướng quốc gia Nguyễn Hải Anh (nghệ danh Chí Anh), Hồng Thi (nghệ danh Khánh Thi) đứng tên. Khi đó, nhà quản lý đã xem xét để có những phương hướng giải quyết phù hợp nhất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn từng phân tích rằng, mô hình của thể thao thế giới là các môn thể thao hoàn toàn tách biệt không ghép vào các Liên đoàn, Hiệp hội. Chính vì sự chuyên nghiệp ấy, thể thao Việt Nam cũng hướng tới. Đơn cử, hiện tại Liên đoàn thể dục Việt Nam đang có sự tham gia của môn khiêu vũ thể thao (dancesports), thể dục dụng cụ, thể dục aerobic và thể dục nghệ thuật. Liên đoàn thể hình & cử tạ Việt Nam đang có sự tham gia của môn cử tạ và môn thể hình rồi Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao đang cùng lúc có sự góp mặt của xe đạp cùng mô tô thể thao. Việc tách biệt từng môn theo các tổ chức xã hội nghề nghiệp là phù hợp.

Văn bản mà Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) đang phụ trách quản lý môn khiêu vũ thể thao cũng cho ý kiến rằng “nếu được tách khiêu vũ thể thao và sớm thành lập Liên đoàn độc lập sẽ thuận lợi cho việc quản lý về thành tích và chuyên môn của môn này tại các Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Đồng thời, tổ chức xã hội nghề nghiệp là Liên đoàn khiêu vũ thể thao sẽ thuận lợi cho việc kêu gọi các nguồn xã hội hóa tự chủ về tài chính cũng như đóng góp niêm liễn của môn này 100%. Việc kết nối với hệ thống của khiêu vũ thể thao thế giới và châu Á hiệu quả hơn, đặc thù hơn”.

Gần như chắc chắn, vấn đề tách môn khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn thể dục Việt Nam tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ mới, khóa 6 (2022-2027) sẽ được đưa ra cụ thể.

Vì sao thể dục vẫn khó kiếm Chủ tịch

Ngày 14-12, Liên đoàn thể dục Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ lần thứ 6 (2022-2027) tại Hà Nội. Nếu không có gì thay đổi Chủ tịch đương nhiệm của khóa 5 là ông Trần Chiến Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL) sẽ tiếp tục tái nhiệm ở vai trò này. Tính theo thời gian, nếu được bầu giữ Chủ tịch khóa 6, ông Trần Chiến Thắng sẽ có 4 nhiệm kỳ liên tiếp làm Chủ tịch Liên đoàn thể thao (tổng thời gian dự kiến là 20 năm). Xét về kỷ lục giữ vai trò Chủ tịch một Liên đoàn, Hiệp hội thể thao thì nguyên Chủ tịch Vũ Khắc Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thông tin, thể thao) của Liên đoàn xe đạp & mô tô thể thao là người đảm nhiệm lâu nhất (4 nhiệm kỳ).

Môn khiêu vũ thể thao đã có thành tích tại SEA Games 31 nên rất chờ đợi sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai gần. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Câu chuyện đặt ra là vì sao thể dục Việt Nam khó tìm được nhân sự tham gia vai trò Chủ tịch? Điều này rất khó lý giải. Bởi trên hết, riêng môn TDDC là môn cơ bản nhất của Olympic cũng như môn quan trọng của thể thao Việt Nam thì hiện mới chỉ có 4 đơn vị nòng cốt thường trực thi đấu các giải trong nước là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quân đội. Mới nhất, đơn vị Cần Thơ là đơn vị thứ 5 đã tham gia với môn TDDC. Chưa kể, Đại hội thể thao toàn quốc là nơi thi đấu danh giá nhất của thể thao trong nước thì môn thể dục nghệ thuật không thể diễn ra do thiếu đơn vị đăng kí đúng điều lệ. Từ đó để thấy, tìm được người làm quản lý thể dục là không dễ.

Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 tổ chức ở Quảng Ninh, môn khiêu vũ thể thao đưa vào thi đấu 12 nội dung và chung cuộc có 10 đơn vị giành huy chương gồm Đồng Nai, Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thái Bình, Gia Lai, Thái Nguyên, Cao Bằng. Trong thi đấu hệ thống trẻ các đơn vị có thế mạnh là Hà Nội, Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cần Thơ, Lâm Đồng. Con số để thấy, khiêu vũ thể thao thành tích cao là phát triển, chưa kể tại các địa phương có rất nhiều CLB tập luyện môn thể thao đầy tính nghệ thuật này.

Tin cùng chuyên mục