Sau thời Đoàn Kiến Quốc

Cho đến lúc này, bóng bàn Việt Nam vẫn đang đau đáu giấc mơ tranh vé dự Olympic, sau thời điểm tay vợt kiệt suất Đoàn Kiến Quốc giã từ đội tuyển quốc gia. Vẫn chưa ai chạm đến tấm vé ấy, chứ đừng nói tới tái lập chiến tích 2 lần góp mặt ở ngày hội lớn nhất hành tinh mà Kiến Quốc từng sở hữu…

Lẽ ra, Đoàn Kiến Quốc đã lập cú “hattrick” dự Olympic nếu anh không rút lui khỏi vòng loại tranh vé đến London 2012. Đấy là sự kiện gây bất ngờ không chỉ đối với bóng bàn Việt  Nam mà với cả khu vực Đông Nam Á. Nên nhớ, tay vợt người Khánh Hòa mới có thể tranh chấp vé đơn nam cùng bóng bàn Singapore, nơi chủ yếu nhập tịch VĐV Trung Quốc để mưu cầu thành tích. Lý do khi đó được chính Kiến Quốc cho biết là muốn dành cơ hội lại cho những tay vợt trẻ đang lên, đồng thời ở tuổi 31, anh không còn duy trì được phong độ đỉnh cao của mình.

Trước thời điểm này, anh đã viết nên câu chuyện lịch sử cho bóng bàn Việt Nam khi liên tiếp xuất hiện tại Athens 2004 và Bắc Kinh 2008. Kiến Quốc tạo dấu ấn bằng việc lọt vào đến vòng 2 nội dung đơn nam sau khi đánh bại David Zalcberg (Australia) và hạ gục tay vợt từng xếp hạng 17 thế giới Christophe Legout (Pháp) hồi năm 2008. Kiến Quốc chơi tay trái, ra chiêu rất linh hoạt, giao bóng hiểm, đôi khi xuất thần với những cú trong bàn.

Khoảng trống sau lưng tay vợt Đoàn Kiến Quốc là rất lớn. Ảnh: T.L.

Cho đến bây giờ, nghĩa là đã 8 năm rồi, bóng bàn Việt Nam chưa có thêm lần nào nữa xuất hiện ở Olympic. Nói cách khác, sau thời của Đoàn Kiến Quốc, ngoại trừ bộ ba Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải và Đinh Quang Linh đạt gần đến đẳng cấp của đàn anh, còn lại hầu hết các tay vợt trẻ chỉ dừng ở mức tiềm năng. Vấn đề là, nói như đánh giá của chính Đoàn Kiến Quốc, bóng bàn trẻ Việt Nam không hề thua kém các quốc gia trong khu vực, tiếc một điều họ lên đến một ngưỡng nhất định thì dừng lại, không tiến xa hơn được nữa.

Bóng bàn Việt Nam đang gây sự chú ý ở giải vô địch đồng đội thế giới khi cả 2 đội tuyển nam lẫn nữ đều bất ngờ giành chiến thắng ở nhóm 2, đứng trước cơ hội tranh chấp các suất đi tiếp. Song, trong số những gương mặt hiện nay, chưa ai được đánh giá là có khả năng kế tục những điều mà Kiến Quốc từng làm được.

Tính riêng nội dung nam, sau thời của Kiến Quốc, Tuấn Quỳnh và Nam Hải (hiện đã ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển), Đinh Quang Linh là tay vợt số 1, tiếc là anh không có được sự lì lợm của Kiến Quốc hay phong cách chơi máu lửa kiểu Tuấn Quỳnh, đặc biệt khó khăn khi gánh vác trọng trách của ĐTQG ở đấu trường SEA Games, chưa bàn đến giấc mộng Olympic.

Ở SEA Games 2015, bóng bàn nữ Việt Nam từng tạo được ấn tượng mạnh khi tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang lọt vào đến trận chung kết đơn nữ, nhưng tiếc là sau đó cô để thua tay vợt của Thái Lan, vuột mất chiến tích lần đầu tiên lên ngôi. Tại nhóm 2 giải đồng đội thế giới năm nay, Mỹ Trang cùng các đàn em đã chơi khá hay để tạm thời leo lên ngôi nhì bảng H sau 2 trận thắng và 1 thất bại.

Nhưng cũng tương tự như nội dung nam, kể từ khi đàn chị Ngô Thu Thủy (từng vô địch SEA Games 19 nội dung đôi nam-nữ) rút lui khỏi cuộc chơi, chưa ai đủ khả năng đưa bóng bàn nữ thống lĩnh khu vực, hoặc chí ít là cạnh tranh ngang ngửa với những tay vợt Singapore đã đạt đến trình độ thế giới.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục