Khi những tiếng vỗ tay dứt đi và nụ cười cũng thôi không còn nồng nhiệt, các ông bầu sẽ lui về với công việc kinh doanh hằng ngày còn các quan chức VFF trở lại văn phòng ở Mỹ Đình. Có vẻ như mọi việc kế tiếp của đề án “ra riêng” đều hướng dư luận tập trung đến vấn đề kỹ thuật thành lập công ty VPF.

V-League sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nếu… Ảnh: Dũng Phương
Như chúng tôi đã đề cập, việc thành lập một công ty là rất đơn giản nhưng khác với các công ty lập ra để kinh doanh, VPF được ra đời để phục vụ cho một mục đích rất lớn, bao hàm khá nhiều chi tiết. Phải bảo đảm được các mục đích đó thì VPF mới có thể hình thành. Lợi nhuận không phải là yếu tố quyết định. Rắc rối là ở chỗ đó.
Những cái gạch đầu dòng của bầu Kiên trong bản kế hoạch gởi cho giới truyền thông cũng như tại hội nghị đều đem lại lợi ích cho nhiều bên. Đọc các phát thảo đó, thật sự khó để mà lắc đầu. Nhưng đó không phải là một đề án cụ thể khi những khó khăn thật sự đã không được nhìn thấy hoặc như bầu Kiên cố tình không nêu ra. Thế nên, mới cần có sự đồng thuận của các bên thì mới bảo đảm thành công.
Không khó để giải thích tại sao VFF lại chấp thuận một cách nhanh chóng. Thật đơn giản: nếu căn cứ theo những gì bầu Kiên đã viết, đâu có cơ sở gì để phản đối. Đấy có lẽ là sự lý giải dễ hiểu nhất về việc một tổ chức mất chừng ấy năm mà không cách gì đưa vào vận hành bản đề án do ông Dương Nghiệp Khôi trình cách đây 3 năm, nhưng lại nhanh chóng thông qua ý tưởng của một ông bầu trong vòng vài giờ đồng hồ.
Nói như vậy để thấy VFF đâu phải là không thấy những điều đúng đắn khi tách V-League ra riêng. Họ cũng đã được AFC khuyến cáo về việc này nhưng họ vẫn chưa bao giờ cho thấy muốn V-League được điều hành theo phương cách hiện đại. Những chuyện bầu Trưởng giải hay thành lập VPF thực ra cũng chỉ từ sức ép của các ông bầu. Và cũng phải mất gần một tháng trời với điều kiện là các ông bầu phải dùng đủ chiêu thức lẫn những tâm tư mà hiếm khi họ phô bày công khai.
“Thành trì” VFF vững chãi đến như vậy đấy!
o 0 o
Thế nên, nếu cứ sa đà vào các chi tiết kỹ thuật thành lập VPF thì dễ bỏ qua sự thụ động 11 năm qua của VFF, trong khi chính tổ chức này mới đóng vai trò chủ đạo trong việc ra đời VPF nhanh hay chậm. Các ông bầu thì “vẽ” ra lộ trình nhưng chắc chắn là họ khó có thể theo đuổi sự việc đến từng chi tiết. Trong khi đó, TTK Trần Quốc Tuấn lại cho rằng, VFF thì sẵn sàng ủng hộ, nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn là ở các CLB, ở sự hào hứng đến mức nào của các ông bầu. Nói cho dễ hiểu: VPF là “đứa con” do các ông bầu sinh ra thì chính các CLB phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó.
Không phải VFF không biết về sự cần thiết của một công ty như VPF nhưng cần phải nhìn thẳng vào thực tế là dù biết, họ cũng khó mà biến nó thành hiện thực. Trong trường hợp này, câu nói của nguyên Chủ tịch Mai Liêm Trực là rất đúng “mặt bằng VFF thấp hơn xã hội”. Đã thấp hơn thì làm sao có để quản lý nổi công ty ấy theo mô hình của doanh nghiệp. Nếu không có Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng vận động các thành viên thường trực thì cũng chưa chắc VFF đã 100% phiếu thuận.
Hơn 10 năm thụ động nên khi mất vài giờ để “hiểu” ra mọi thứ thì không thể khẳng định là VFF đã có thể theo kịp cách nghĩ của các ông bầu nhất là khi những gạch đầu dòng của bầu Kiên quá “thông minh” và quá “đẹp”.
Nhưng nếu VFF cần phải có được sự gợi ý của các ông bầu để “hiểu” thì lấy gì bảo đảm họ sẽ thực hiện đề án ấy nếu một ngày kia, các ông bầu sẽ lui về với công việc kinh doanh hằng ngày còn các quan chức VFF trở lại văn phòng ở Mỹ Đình.
Hồ Việt