Quy trình xử lý nếu có VĐV dính doping sẽ thực hiện như thế nào?

Bộ VH-TT-DL đã có hướng dẫn cụ thể đối với công tác phòng, chống doping và quy trình xử lý trong trường hợp có VĐV thể thao dính chất cấm (doping) khi thi đấu.

Chúng ta có những quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với cá nhân dính doping trong thi đấu thể thao. Ảnh: Internet
Chúng ta có những quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với cá nhân dính doping trong thi đấu thể thao. Ảnh: Internet

Tất cả đã được quy định tại Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL (ngày 30-12-2015) do Bộ VH-TT-DL ban hành về Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL cho biết, khi có trường hợp VĐV dính doping chắc chắn ngành thể thao sẽ thành lập Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm doping dựa trên các căn cứ từ kết quả xét nghiệm doping. Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm doping có từ 5 tới 7 thành viên, gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng, Thư ký Hội đồng và các ủy viên. Thành viên Hội đồng là các chuyên gia y tế, chuyên gia pháp lý, đại diện của Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội Paralympic Việt Nam, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có liên quan.

Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm doping làm việc theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết theo đa số và phù hợp với quy định chuyên môn của Bộ luật phòng, chống doping thế giới.

Hội đồng sẽ đánh giá mực độ vi phạm doping của VĐV từ việc xem xét, đánh giá các chứng cứ và thông tin có liên quan. Và trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm doping phải gửi Hồ sơ đánh giá mức độ vi phạm doping đến Trung tâm Doping và Y học thể thao hoặc Ban tổ chức giải (đối với trường hợp phát hiện doping trong giải đấu). Hồ sơ đánh giá mức độ vi phạm doping gồm: Chứng cứ về hành vi vi phạm; Các thông tin có liên quan (nếu có); Bản giải trình của vận động viên, đơn vị quản lý vận động viên, liên đoàn thể thao quốc gia quản lý vận động viên (nếu có); Biên bản cuộc họp.

Từ đó, Hội đồng sẽ có những đánh giá về mức độ vi phạm doping của VĐV và việc kết luận sẽ gồm các nội dung xác định hành vi vi phạm doping; đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm doping; đề xuất hình thức xử lý vi phạm doping...

Đó là những quy định chung. Vào lúc này, một số trường hợp mẫu thử của VĐV Việt Nam thi đấu SEA Games nằm trong nghi vấn dương tính doping thì các kết quả chỉ được công bố khi tổ chức phòng chống doping quốc tế - WADA gởi văn bản chính thức cho Ủy ban Olympic Việt Nam, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Vấn đề về các mẫu thử trong thi đấu quốc tế - SEA Games – khi có trường hợp dương tính doping chắc chắn sẽ có công bố và tất cả chỉ chờ thời điểm khi nào công bố thông tin chính thống nhất.

Hình phạt cao nhất của cơ quan phòng chống doping thế giới là tước thành tích và cấm thi đấu quốc tế có thời hạn đối với VĐV dính doping.

Tin cùng chuyên mục