Cầm trên tay tấm huy chương bạc lấp lánh vừa giành được ở Giải Pickleball mở rộng - khu vực châu Á 2024, tay vợt Trần Đức Phong hạnh phúc nói không nên lời, nét mặt thể hiện rõ sự hãnh diện. Bởi đây là thành tích nằm ngoài kỳ vọng của nam vận động viên (VĐV) sinh năm 1991 này, khi anh tiếp cận và chơi Pickleball chỉ hơn nửa năm qua.
Dân chuyên nghiệp cũng “nghiện” Pickleball
Giải Pickleball quốc tế vừa được khép lại thành công ở câu lạc bộ (CLB) Thể thao Kỳ Hòa II (TPHCM), cũng là sân chơi đánh dấu màn tái xuất sau hơn 10 năm của tay vợt từng được đánh giá đầy tài năng mà cầu lông Hà Nội sản sinh. Đỉnh cao trong sự nghiệp cầu lông của Đức Phong là chức vô địch tại Giải Các tay vợt xuất sắc và ngôi á quân ở sân chơi vô địch quốc gia cùng vào năm 2008. Nên việc anh đi đến quyết định giải nghệ sau đó 3 năm đã để lại sự tiếc nuối cho những người làm công tác chuyên môn. Bởi Phong khi đó đang bước vào độ chín sự nghiệp.
Hơn 10 năm qua, Đức Phong chỉ tập trung vào việc phát triển bản thân ở đơn vị mà anh đang công tác. Phong tâm sự, ngoài việc tranh tài tại các giải cầu lông mà cơ quan có tham dự, anh không tham dự các sân chơi phong trào nào khác, chỉ rèn luyện sức khỏe thông qua môn quần vợt với nhóm bạn thân. Nên trong một dịp tình cờ vào tháng 9-2023, nhóm bạn thân đã giới thiệu Pickleball cho Đức Phong chơi thử.
“Sau thời gian tiếp cận Pickleball, tôi mê từ lúc nào không hay. Môn này dễ chơi, ngay cả những người ít rèn luyện thể thao cũng không mất nhiều thời gian để bắt nhịp. Khi đánh quần vợt đòi hỏi nền tảng thể lực cực khỏe, ngay bản thân từng là VĐV chuyên nghiệp như tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nên chuyển sang đánh Pickleball rất phù hợp. Ban đầu, tôi chơi để ra mồ hôi, và sau đó được mở rộng mối quan hệ”, anh nói.
Theo Đức Phong, Pickleball du nhập vào Hà Nội muộn hơn TPHCM, song độ lan tỏa thì không hề kém cạnh “cái nôi” của Pickleball nước nhà. Trong đó, có nhiều sân quần vợt ở thủ đô được chuyển hẳn công năng để phục vụ Pickleball, như CLB Thể thao Thụy Khuê mà anh đang sinh hoạt thường xuyên là thí dụ. Đức Phong bị “nghiện” Pickleball, khi tập luyện đủ cả 7 ngày trong tuần. Thậm chí, tay vợt có thời điểm đánh từ quận này sang quận khác trong một ngày mà... không biết mệt.
“Đến với Giải Pickleball mở rộng - khu vực châu Á 2024, tôi tìm lại được cảm xúc thời còn chơi cầu lông chuyên nghiệp. Đó là sự căng thẳng trong mỗi pha bóng giằng co, thăng hoa khi ghi được điểm số, giành một set thắng, hay thất vọng vì đáng lẽ tình huống đó mình có thể làm tốt hơn nhưng bất thành. Song thi đấu Pickleball thì bản thân không phải tập luyện quá nhiều như lúc đánh chuyên cầu lông, tôi chủ động thu xếp được thời gian. Tôi thích Pickleball ở điều này”, Đức Phong trải lòng.
Cơ hội quảng bá Việt Nam ra quốc tế
Một trong những trải nghiệm của Đức Phong khi vào TPHCM tham dự giải Pickleball quốc tế đầu tiên ở Việt Nam là được giao lưu, cọ xát với các VĐV chuyên nghiệp khắp thế giới. Trong đó, tay vợt Việt kiều Huỳnh Thiên Phúc mang đến cho Đức Phong ấn tượng lớn nhất, vì anh được học hỏi từ đàn em về chuyên môn. Thiên Phúc sinh năm 2000, ở tuổi lên 3 đã cùng gia đình sang Mỹ định cư. Mỹ chính là quốc gia sản sinh ra Pickleball, nên Thiên Phúc có nhiều cơ hội phát triển khi chuyển sang chơi nhà nghề. Tay vợt thuộc Hiệp hội Pickleball Việt Nam - Mỹ, đang nằm trong tốp 20 ở hệ thống các giải Pickleball của Mỹ.
Thiên Phúc yêu Việt Nam, năm nào cũng trở về cội nguồn, nên đăng ký tham dự Giải Pickleball mở rộng - khu vực châu Á 2024 để có cơ hội gặp lại người thân. Anh đăng quang nội dung đánh đơn dành cho lứa tuổi 19-34. Tay vợt 24 tuổi thể hiện niềm vui khi chứng kiến Pickleball đang có sự bùng nổ tại Việt Nam, kèm theo ước nguyện được khoác lên màu áo của đội tuyển Pickleball Việt Nam nếu bộ môn này được đưa vào chương trình thi đấu ở các đại hội thể thao.
Cũng là dân Pickleball chuyên nghiệp như Thiên Phúc, song tay vợt Odilon Tayag (người Philippines) quyết định tranh tài giải đấu tại TPHCM chỉ để thưởng thức các món ngon của Việt Nam. Nam VĐV lần đầu đến TPHCM cách đây gần 2 năm, và khi đó từng chia sẻ với bạn bè về mong muốn được trở lại đây lần nữa. “Tôi thích các món ăn truyền thống của Việt Nam, trong đó phở là nổi tiếng nhất rồi! Tham dự giải Pickleball ở mỗi quốc gia khác cũng là dịp để tôi cùng các thành viên trong CLB đi du lịch. Những tay vợt Pickleball ở Việt Nam mà tôi biết đang có sự phát triển. Các bạn chủ nhà vô cùng thân thiện, dẫn đoàn của chúng tôi đi ăn món này, tham quan chỗ kia tại địa phương”, Odilon Tayag phấn khích.
Odilon Tayag là 1 trong 180 tay vợt Pickleball nước ngoài đã góp phần rất lớn để mang đến thành công cho Giải Pickleball mở rộng - khu vực châu Á 2024. Gần một tuần ở TPHCM là những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ với những người bạn quốc tế. Họ nhờ chiếc điện thoại để lưu lại những khoảnh khắc đẹp, dùng mạng xã hội để giới thiệu các điểm đến thân thiện và hòa bình ở Việt Nam cho bạn bè được biết đến.
Đằng sau những cuộc thi đấu sôi nổi trên sân là tình bạn đẹp xuyên biên giới giữa các tay vợt có cùng đam mê với Pickleball. Đó chính là sứ mệnh mà TPHCM đưa một giải Pickleball của châu Á đầu tiên đến với đất nước hình chữ S.
Chủ tịch Hiệp hội Pickleball châu Á Hogan Lai vô cùng bất ngờ khi đến khảo sát sân Pickleball ở CLB Thể thao Lan Anh (TPHCM). Ông không nghĩ ở một quốc gia mà Pickleball chỉ du nhập trong khoảng 5 năm qua, nhưng đang sở hữu hệ thống 4 sân có mái che tự động, khu vực khán đài với sức chứa gần 2.000 chỗ, khuôn viên rộng rãi cùng tiện ích đi kèm như nhà hàng, hồ bơi... và quan trọng nằm ngay trung tâm TPHCM, đáp ứng gần như đầy đủ điều kiện tổ chức một giải quốc tế lớn.