Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 3-1 trước Malaysia trong chiều Chủ nhật rồi nhưng buồn hiu hắt. Vậy mà cũng tại Hà Nội, trên sân vận động Bách Khoa ở trận chung kết giải bóng đá sinh viên toàn quốc, giữa Đại học Bách khoa và Đại học Thủy lợi chẳng khác ngày hội.
Những điều đó khiến nhiều người liên tưởng tới sân Mỹ Đình ngày có đội tuyển U19 Việt Nam thi đấu hồi tháng 9. Cũng cái sân ấy, với thời gian cách nhau chưa đầy 2 tháng lại tạo ra hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Nếu lúc trước được lèn chặt người, với đủ loại hình cổ vũ rầm rộ thì chiều 16-11 cũng như trận đấu ngày 9-11 (gặp Palestine) chỉ thấy toàn khán đài trống hoác.
Sân bóng Bách Khoa với sức chứa hơn 1 vạn chỗ ngồi đã không còn lối chen chân. Buộc lòng hàng trăm khán giả phải trèo cả lên những ngôi nhà cao tầng xung quanh để theo dõi trận đấu, cho thấy sức sống của bóng đá phong trào sinh viên thật mãnh liệt. Không như VFF vẫn thường nghĩ hễ đội tuyển quốc gia đá là “ngon”, và sẽ thu hút người xem.
Cái cảnh trận chung kết đến 15 giờ mới diễn ra nhưng từ 13 giờ hàng ngàn sinh viên đã có mặt, tất tả ngược xuôi tìm đường vào sân thể hiện bóng đá phong trào, bóng đá “phủi” luôn có chỗ đứng của riêng mình. Điều ấy được chứng minh rõ không chỉ ở năm nay mà từ vài năm trước, hễ có bóng đá phong trào thì người dân thủ đô tranh thủ đến xem. Lạ ở chỗ, sân chơi phong trào chỉ gồm những chàng sinh viên đá bóng, không thật nhiều chiêu trò kiểu lên báo chí kêu gọi người hâm mộ đừng quay lưng, thế mà dòng người ủng hộ vẫn luôn nườm nượp.
Về sân chơi này đa phần cho rằng nhờ tính vô tư, hồn nhiên và cháy hết mình, không toan tính trong từng đường bóng. Tất nhiên là chẳng có lừa dối khán giả bởi trò bán độ, ma mãnh, xảo quyệt mà các thế hệ đi trước lỡ “gieo” khiến đội tuyển Việt Nam lúc này phải “gặt”.
![]() |
Khán đài sân Mỹ Đình trống hoác ở 2 trận giao hữu gần đây của tuyển Việt Nam với Palestin và Malaysia.
Để rồi đến lúc bị dư luận truy thì lại loay hoay với chuyện sợi dây kinh nghiệm rút hoài, rút mãi không bao giờ hết. Từ đó nhớ đến câu nói của cựu Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ: “VFF luôn rất giỏi ở “môn” né trách nhiệm, và sau đó cào bằng mọi thứ như chưa từng xảy ra chuyện gì”.
Cái dở của bóng đá Việt Nam là sau mỗi sự cố thì không làm lại từ gốc mà chỉ lo chăm chăm vào đội tuyển. Kiểu như cho đi tập huấn nước ngoài dài ngày, hết quốc gia này đến trung tâm nọ, tốn thật nhiều tiền nhưng hiệu quả không cao. Còn với bóng đá phong trào thì đâu cần gì nhiều, thế mà luôn có tính giải trí và mang ý nghĩa sâu sắc.
Những gì bóng đá phong trào đang có, các nhà làm bóng đá của VFF cần nhìn lại mình. Tức là, vì sao một đội tuyển quốc gia ra sân chơi với đối thủ có tiếng tăm nhưng khán đài trống rỗng? Còn phía cầu thủ cũng đầy tâm trạng, lo ngại về sự hời hợt của người hâm mộ khi AFF Cup đến gần.
Và chuyện có người nói, việc đá bóng của đội tuyển Việt Nam thường dở tệ, nhưng bóng đá phong trào trên bình diện cả nước luôn hừng hực thì chẳng có gì sai.
ĐỨC DŨNG