PV: Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong tốp dẫn đầu SEA Games 30. Chúng ta chuẩn bị những gì để hoàn thành nhiệm vụ đó, nhất là khi lực lượng VĐV tham gia không đông như một số đoàn Philippines, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia…?
Ông TRẦN ĐỨC PHẤN: Đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu vào nhóm 3 chung cuộc, dù rất khó so với những kỳ SEA Games trước, khi chúng tôi lường trước nhiều khó khăn ngay từ đầu. Khó bởi số lượng các môn thi đấu của Việt Nam bị cắt giảm nhiều, chưa kể các nước trong khu vực cũng đầu tư rất mạnh ở nhiều nội dung cho các môn thể thao Olympic mà Việt Nam không tham gia.
Bên cạnh đó, một số môn thể thao tập thể ở Olympic mà chúng ta cũng không tham gia được. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ về mặt chuyên môn, sau khi loại trừ các môn, nội dung thi đấu của các nhóm môn Olympic và Asiad, đoàn Việt Nam có thể vẫn đặt mục tiêu vào tốp 3 với điều kiện phải đạt từ 65 huy chương vàng (HCV) trở lên. Lúc đó mới có cơ hội so sánh với Indonesia, Malaysia và Singapore.
Thưa ông, hiện tại sự cạnh tranh của các nền thể thao khác trong khu vực có gây khó khăn lớn cho hành trình chinh phục đỉnh cao của thể thao Việt Nam không?
Chúng ta rất khó có thể định hướng được năm nay SEA Games tổ chức ở nước này thì họ tổ chức những nội dung nào; kỳ SEA Games tới ở nước khác, họ tổ chức những nội dung khác. Cho nên, liên quan tới giải pháp để định hướng phấn đấu thành tích ở SEA Games là rất khó. Giải pháp tốt nhất là họ tổ chức môn gì, nội dung gì thì chúng ta đấu môn đó, nội dung đó.
Nhưng mục tiêu quan trọng vẫn là phấn đấu ở đấu trường Asiad, cao hơn là Olympic ở một số nội dung, một số môn. Định hướng chung là nếu có được huy chương Asiad thì cơ hội có huy chương ở Olympic rất cao. Tương tự những nội dung đoạt HCV ở Asiad, cơ hội giành HCV ở SEA Games luôn rất cao. Đấu trường SEA Games được tổ chức như cách thức mà các nước đang làm thì không chỉ Việt Nam mà các nước cũng rất khó định hướng.
Đâu là những môn trọng điểm thực sự của chúng ta, có thể đóng góp nhiều thành tích nhất cho đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội lần này? Họ đã được đầu tư và chăm sóc ra sao?
Những môn thể thao trọng điểm của Việt Nam kỳ đại hội lần này được chia theo nhóm. Nhóm 1 gồm điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bắn súng và cử tạ. Nhóm 2 gồm các môn võ thuật, đấu kiếm, bắn cung, karate, taekwondo. Những môn này được quan tâm đầu tư vì sẽ liên thông tới Olympic và Asiad sắp tới.
Tuy nhiên, việc đầu tư ở Việt Nam như chúng ta đã biết vẫn còn nhiều hạn chế, kể cả điều kiện cơ sở vật chất. Nhìn sang các nước, vận động viên (VĐV) tập luyện có máy lạnh, như mùa hè ở Việt Nam thì máy lạnh không đáp ứng được, phải dùng quạt hơi nước khắc phục. Nhưng vượt lên trên sự khó khăn đó mới thấy VĐV chúng ta quá tuyệt vời.
Ở Asiad 2018, một số VĐV trọng điểm thi đấu không đúng sức mình, thua thiệt khá nhiều so với sự kỳ vọng. Chính ông đã cho rằng thể thao Việt Nam cần phải định hình lại để phát triển tốt hơn. Vậy ở góc độ người quản lý ngành, ông và Tổng cục TDTT đã tính toán chiến lược cải thiện điều đó ra sao, vì ngoài SEA Games 30, chúng ta còn rất nhiều sự kiện thể thao quốc tế quan trọng khác phải tham dự?
Ở Asiad 18, Việt Nam hoàn toàn có thể giành được thành tích cao ở một số môn Olympic và Asiad, bởi qua thực tế số lượng HCB, HCĐ của Việt Nam luôn luôn nhiều, nhưng VĐV của chúng ta chưa phát huy được thành tích ở thời điểm cao nhất. Nói cách khác, công tác huấn luyện và chuyên gia của ta cũng có những vấn đề nhất định, bởi khoảng cách giữa HCV và HCB là rất nhỏ, chỉ cần nỗ lực thêm một chút là đoạt HCV.
Cũng phải thừa nhận, thể thao Việt Nam vẫn còn hạn chế, những vấn đề về điều kiện để đảm bảo cho VĐV đạt được thành tích cao (gồm cơ sở vật chất, kỹ thuật, dinh dưỡng, chăm sóc y học), trong đó có vấn đề quan trọng là khoa học ứng dụng để đào tạo VĐV nâng cao thành tích, những vấn đề này chúng ta chưa bứt phá được. Đây là bài toán khó.
Hiện nay, giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho các VĐV, như ăn vẫn chưa có hệ thống bài bản về mặt dinh dưỡng. Cho nên các VĐV ở trung tâm luyện tập vẫn ăn theo kiểu rất Việt Nam, gồm cơm, thịt, cá, trong khi chưa định lượng được cho bữa ăn theo kiểu môn thể thao này phải ăn cái gì, môn thể thao khác ăn những gì. Trong bữa ăn phải định lượng được calo cho các VĐV trên mâm ăn chung, đó là áp dụng của nước ngoài. Ví dụ môn sức mạnh phải ăn những thức ăn gì, môn sức nhanh phải ăn những đồ ăn nào và tuân theo cán bộ dinh dưỡng. Đến nay Việt Nam chưa làm được, chưa có bác sỹ dinh dưỡng. Vấn đề này chúng tôi đang triển khai.
Đến năm 2020 sẽ có thuốc bổ dưỡng cho thể thao, có riêng loại nước uống cho VĐV. Bởi, trong thực tế tham gia thi đấu, không phải VĐV thi đấu xong là về, có những môn phải thi đấu từ sáng tới tối, nhất là các môn võ. Lúc đó VĐV phải mang theo cơm hộp, ăn các thức ăn nhanh, thậm chí là mỳ tôm. Hiện chúng tôi đang có đề tài cấp nhà nước để nghiên cứu loại thức ăn mà miếng ăn như thanh lương khô, trong đó hàm lượng calo đảm bảo hơn khi ăn cơm, ăn thịt. Những thức ăn kiểu này đến năm 2021 mới có.
SEA Games 30 sẽ có nhiều môn được tính chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020 như điền kinh, bơi lội… ngành TDTT có giao nhiệm vụ cụ thể cho những gương mặt đã được chọn để đầu tư trọng điểm hay không? Ông kỳ vọng Việt Nam sẽ giành được bao nhiêu suất đến Nhật Bản vào năm tới?
Môn nào được tính chuẩn Olympic thì ngành sẽ giao nhiệm vụ cụ thể. Vấn đề này chúng ta chỉ nói chung chung, vì có những VĐV có phong độ xuất thần, còn những VĐV nào nhắm tới Olympic đương nhiên đó là nhiệm vụ của họ. Nói chung ở SEA Games thường ít số lượng các nội dung tính chuẩn Olympic. Nhưng thể thao Việt Nam sẽ phấn đấu có trên 20 VĐV đến Nhật Bản.
Bóng đá nam luôn nhận được sự ưu ái từ công chúng. Nhiệm vụ của đội tuyển U22 Việt Nam trong chuyến xuất ngoại lần này chính là giành HCV. Ở góc nhìn của mình, ông có tự tin thầy trò HLV Park Hang-seo cụ thể hóa được điều đó?
Năm nay tất cả những gì có thể tốt nhất của thể thao Việt Nam, đoàn đều dành cho 2 đội tuyển bóng đá, nhất là bóng đá nam. Tôi thấy rằng, các cầu thủ bóng đá nam hiện rất tự tin và hướng đến thành tích cao nhất. Do vậy, tinh thần, nghị lực, ý chí của các cầu thủ rất rõ ràng. Trên cơ sở đó mới đặt mục tiêu rõ ràng, chỉ tiêu cụ thể cho đội tuyển bóng đá nam là không có chữ “phấn đấu” mà phải là HCV.
Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games thứ 31 vào năm 2021. Đến nay, ngành TDTT đã chuẩn bị được những gì cho sự kiện đó, từ hệ thống cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực?
Ngành TDTT đã rà soát toàn bộ công tác cơ sở vật chất để chuẩn bị cho kỳ đại hội tới tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng mới ký quyết định cho phép đăng cai, sau quyết định đó mới triển khai hàng loạt vấn đề, nhiệm vụ liên quan tới kỳ đại hội tới. Về cơ bản, ngành cũng đã rà soát toàn bộ về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ phục vụ SEA Games lần thứ 31.