Khi còn là một cậu bé, Barack Obama thường xuyên chơi bóng đá trên đường phố Indonesia. Khi đã lập gia đình, ông Obama thường xuyên đi xem các trận đấu của cô con gái cưng Malia (con gái lớn Malia của ông Obama năm nay mới 10 tuổi, cô bé có tên trong một đội hình bóng đá nữ thiếu nhi ở Chicago).
Chị của ông - đang sống ở Anh - vốn là một cổ động viên của CLB West Ham United (đang thi đấu ở Premier League). Nghĩa là truyền thống của ông Obama và gia đình có gắn kết chặt chẽ với bóng đá.

Ông Obama đang chơi bóng cùng cô con gái Malia.
Do vậy, sẽ không như những Tổng thống Mỹ trước đây, ông Obama chắc chắn sẽ là một người thật sự ham thích bóng đá (là bóng đá chứ không phải bóng đá kiểu Mỹ - bóng bầu dục).
Việc ông đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tuần trước làm giới quan chức bóng đá Mỹ dấy lên hy vọng ông sẽ quan tâm và giúp đỡ cho bóng đá phát triển mạnh hơn trên đất Mỹ.
Từ trước cho đến nay, bóng đá là môn thể thao luôn phải xếp sau bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ và cả quyền Anh trên đất Mỹ. Mọi chuyện sẽ thay đổi?
Nước Mỹ vốn rất thèm khát cơ hội được đăng cai World Cup 2018 hoặc World Cup 2022. Và việc ông Obama trở thành tân Tổng thống Mỹ sẽ ít nhiều giúp nước Mỹ đạt được tham vọng này.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Mỹ - ông Sunil Gulati - cho biết trên Yahoo! Sports: “Tất cả chúng tôi đều tin rằng thể thao và chính trị không được xung đột với nhau. Đương nhiên, chúng còn phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Và tất cả điều gì giúp nâng cao tầm nhận thức cho nước Mỹ chỉ có thể là những điều lạc quan cho chúng tôi”.
Một số cổ động viên bóng đá trên đất Mỹ khẳng định, sự hiện diện của ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ sẽ mang đến những thay đổi lớn không chỉ trong tình trạng kinh tế, xã hội mà còn trong thể thao và đặc biệt là bóng đá.
Không như những gì người ta nghĩ về Tổng thống George W. Bush, nghĩ về… chiến tranh, hình ảnh ông Obama sẽ làm sáng lên hy vọng nước Mỹ sẽ được đăng cai World Cup một lần nữa và bóng đá Mỹ sẽ có một vị thế đặc biệt trên bản đồ thế giới của FIFA.
Hiện tại, ông Obama cũng là một nhân tố cho nước Mỹ vận động quyền đăng cai Olympic 2016. Chicago, nơi ông Obama đang sống, là thành phố đang chạy đua cùng Tokyo (Nhật), Madrid (Tây Ban Nha) và Rio de Janeiro (Brazil). Việc ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ làm thay đổi cán cân của cuộc chạy đua này.
Chính Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật - ông Tsunekazu Takeda - cũng buộc phải lên tiếng thừa nhận cơ hội thành công của Tokyo đã bị che mờ sau khi Obama trở thành tân Tổng thống Mỹ, nghĩa là Chicago trở thành ứng viên số 1.
Lần đầu tiên và cũng là duy nhất nước Mỹ đăng cai tổ chức World Cup vào năm 1994. World Cup 1994 trên đất Mỹ là một trong các World Cup thời kỳ mới được FIFA đánh giá cao vì chất lượng cao (chất lượng thi đấu, số lượng bàn thắng) và đạt được lượng khán giả đến xem kỷ lục (kỷ lục đó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay - 3,6 triệu khán giả đã đến xem). Tuy nhiên, xét trên bình diện giải quốc nội, bóng đá Mỹ… thu hút rất ít người hâm mộ.
Trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai tổ chức World Cup 2018 hoặc 2022, nước Mỹ sẽ phải đấu với các đối thủ nặng ký như Anh, liên minh Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, liên minh Bỉ - Hà Lan - Luxembourg. Dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, ai cũng hiểu người Mỹ rất mong có thêm một cơ hội thể hiện mình với làng túc cầu thế giới.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter có kế hoạch đến thăm Nhà trắng và gặp gỡ với ông Obama vào năm sau. Trong khi đó, ông Obama cũng có hứng thú góp mặt ở Nam Phi để tham gia World Cup 2010…
Viễn cảnh cuộc gặp gỡ giữa ông Obama với ông Nelson Mandela (một là lãnh đạo da màu mới, một là cựu lãnh tụ da màu) ở một kỳ World Cup sẽ giúp quảng bá hình ảnh bóng đá thêm rộng rãi, qua đó, càng khiến hình ảnh bóng đá Mỹ được nâng tầm! Với việc châu Phi và Nam Mỹ không phải là ứng viên cho các World Cup 2018 và 2022 (vì Nam Phi tổ chức World Cup 2010, Brazil tổ chức World Cup 2014), Mỹ sẽ chỉ phải đối mặt với một đối thủ “nguy hiểm” nhất là nước Anh. Chủ tịch CONCACAF Jack Warner tin rằng Mỹ sẽ là một đối thủ mạnh mẽ bên cạnh châu Âu!
Giấc mơ của bóng đá Mỹ sẽ trở thành sự thật với sự hiện diện của Obama? Hãy chờ xem!
Tiểu Phương
West Ham mời ông Obama đến xem một trận đấu CLB West Ham đang thi đấu ở Premier League vừa gửi lời mời Tổng thống chưa nhậm chức của nước Mỹ Barack Obama đến xem một trận đấu của CLB này. Các thành viên trong gia đình ông Obama từng dắt ông đi xem một trận đấu của West Ham ở sân Upton Park và tin rằng ông cũng là một CĐV của CLB này. CLB West Ham đã gửi kèm lời chúc mừng ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ một tấm thiệp mời đến Anh xem West Ham thi đấu. Theo PA Sport, tấm thiệp mời ghi rõ: “Chúng tôi rất hạnh phúc vì ông Barack Obama có liên hệ với West Ham và chúng tôi xin gửi kèm lời chúc mừng cùng thiệp mời với mong muốn ông Obama sẽ đến xem một trận đấu của chúng tôi bất cứ khi nào ông đến Anh”. Hậu vệ người Mỹ Jonathan Spector đang chơi cho West Ham (xuất xứ cùng bang với ông Obama, bang Illinois) cũng cho biết anh rất hứng thú với việc đón chào ông Obama đến thăm West Ham. T.Ph. |