Rất nhiều người trong chúng ta thích nhìn Quyến “béo” như một kẻ thức thời. Chúng ta đếm rất nhanh số tiền Quyến kiếm được và vội vàng đánh giá, thằng “Béo” có lẽ chỉ là kẻ quê mùa ít học, kiếm được đồng tiền thì tiêu pha cho bằng hết. Và vì thế, những kết luận kiểu như “hư hỏng”, “ăn chơi” rất dễ được đưa ra, dù nhiều khi, chính chúng ta chẳng biết Quyến đã và đang sống như thế nào...

Bao giờ người hâm mộ mới thấy lại Văn Quyến tung hoành trên sân cỏ? Ảnh: Hoàng Hùng
Rất dễ để so sánh nếu cứ dựa vào những con số, ví dụ: một anh ăn học đàng hoàng, nhưng ra đời chỉ lãnh lương vài ba triệu bạc, trong khi cái “thằng cầu thủ” học hành không đến nơi đến chốn, có chút tiền đã vội hãnh tiến. Nói như vậy là không công bằng!
Thật lạ. Nếu trong giới nghệ sĩ, người ta tiến thân nhiều khi bằng những scandal tự tạo. Người ta tiêu tiền, khoe của mà vẫn chẳng làm ai phải nhăn mặt đố kỵ, thì ở bóng đá, khi nghe cầu thủ này chuyển nhượng vài tỷ, cầu thủ ngôi sao kia làm mình, làm mẩy thì mọi thứ lại được phán xét hết sức vội vàng. Trong khi giới nghệ thuật hay thể thao, nói cho cùng cũng chỉ là lĩnh vực giải trí, đem niềm vui đến cho cộng đồng mà thôi.
Nếu làm một thống kê thì cả Việt Nam này, có bao nhiêu “quần đùi, áo số” có được cuộc sống ổn định sau khi giã từ sân cỏ. Nhiều danh thủ ngày xưa, giờ sống như kẻ cô độc, lủi thủi đời mình trong một góc xã hội.
Có người cũng làm được tí chuyện công danh, nhưng xem ra vẫn chưa là cái gì. Như ở Bình Định, nổi tiếng như ông Dương Ngọc Hùng cũng chỉ kiếm cơm nuôi gia đình bằng cái cửa hàng buôn bán quần áo thể thao theo kiểu “đánh quả”, “chạy mánh”. Nhiều người chỉ được như thế, cho dù thời oanh liệt của họ có thể khiến những ngôi sao làng giải trí phải ghen tị.
Cuộc đời, nói cho cùng, thật dễ để đưa ra phán xét với bất kỳ ai, nhưng sẽ vô cùng khó khăn khi dám nhìn thẳng vào thực tại.
Như Quyến “béo”, cuộc đời Quyến sẽ có bao nhiêu ngày vui? Không cha từ bé, ngay đến lúc này, sự ấm áp từ người mẹ chưa chắc đã trọn vẹn. Mẹ Niềm của Quyến cũng chẳng còn như xưa để mà chân chất, hiền lành. Quyến sống trong cái sự giả tạo vây quanh, trong nỗi mơ hồ về tương lai và những góc nhìn khắc nghiệt từ xã hội...
Rất nhiều người gặp Quyến đều đưa ra nhận xét: “Thằng này bất trị”.
Chao ôi, một ngôi sao, một con người hầu như chẳng có cái gì trong tương lai, thế mà hiện tại đã thành kẻ vứt đi ư!? Bởi thế, trước mặt mọi người, thằng Béo cứ như một con nhím, xù lông lên để phô diễn những thứ mà cuộc đời hay nói rằng “phù phiếm”. Nhưng khi về nhà, khi trở lại với thực tại, Quyến vẫn chỉ là một chàng trai mới lớn, và không biết phải làm gì ngoài quả bóng.
Người ta bảo Quyến xuống đội trẻ mà tập khi anh phản kháng đòi ra đi. Người ta bảo như thế là không chuyên nghiệp. Trời! Khoác trên vai một anh chàng nông dân thứ gấm lụa quá ư là chuẩn mực, liệu có phải là kệch cỡm không?
Như người ta hay nói, nước mắt không chảy được ra thì chảy ngược. Khóc được đã nhẹ nhàng, nhưng lúc phải nuốt vào trong thì đúng là sự khốn khổ vô cùng.
Những ngôi sao của làng giải trí, chỉ vài vụ scandal, đâm ra càng nổi tiếng hơn. Người ta rất dễ chấp nhận sự giàu có của một ngôi sao nào đó, dù chẳng biết điều đó có thực sự đến từ tài năng của chính họ hay không.
Nhưng trong bóng đá, chỉ một chút phản kháng của cầu thủ nổi danh đã bị xã hội khắt khe đặt dưới hàng chục góc nhìn, mà ở đó, sự cảm thông hầu như thật ít ỏi, vì người ta cho rằng, để có được tài năng ấy là công lao bao nhiêu năm của CLB đã bỏ ra. Lạ thật, ở bất kỳ lĩnh vực nào mà quá trình đào tạo hay nuôi dưỡng chẳng đóng vai trò lớn, chứ đâu hà cớ gì bóng đá?
Thế nhưng, để trở thành một ngôi sao, trước hết phải do tài năng của chính ngôi sao ấy. Kể lể về công trạng thì quá dễ, nhưng chẳng ai nghĩ rằng, công trạng ấy chẳng là gì nếu không có những năng khiếu bẩm sinh. Vậy mà, trước một sự phản kháng, chẳng ai nhớ đến cái gì thực sự tạo nên một ngôi sao.
Đời một cầu thủ, sung sướng nhiều hơn hay đau buồn nhiều hơn? Cá nhân tôi, chưa bao giờ thấy bất kỳ một ngôi sao nào thực sự mãn nguyện với cuộc sống của mình. Khi họ rời sân cỏ, hầu như, họ phải làm lại tất cả. Những giây phút vinh quang nói cho cùng, chỉ là phù phiếm. Mới đây thôi, lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng qua đời trong sự cô đơn đến cùng cực.
Thật sự là đau lòng. Thật sự là chua xót khi những hư danh cuộc đời không kiếm nổi cho ông một niềm tin để mà sống khiến cuộc đời chỉ là kéo dài những ngày cô độc, dù đến phút cuối, ai cũng gọi ông là “tượng đài”!
VIỆT TÂM