Nỗi niềm người xứ Nghệ...

Nỗi niềm người xứ Nghệ...

Chẳng biết có phải là cái duyên hay không nhưng Sông Lam Nghệ An có lẽ là đội bóng nhiều vương vấn nhất với V-League. Họ là nhà vô địch V-League ngay khi khai sinh và trong mùa bóng cuối cùng của giải đấu mang cái tên đậm chất Việt Nam, họ cũng là người về nhất. V-League giờ mang tên giải Ngoại hạng, người xứ Nghệ rồi sẽ chơi thế nào?

Nỗi niềm người xứ Nghệ... ảnh 1

Người hâm mộ xứ Nghệ trong niềm vui tột cùng khi đội nhà giành chức vô địch V-League sau 10 năm chờ đợi. Ảnh: Quang Minh

1. Mười năm trước, Sông Lam Nghệ An với thế hệ của Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Quang Trường, Hữu Thắng… cùng vài ngoại binh chất lượng như Iddi Batambuje, Lulenti… đã trở thành đội đầu tiên vô địch V-League. Cứ ngỡ với hệ thống đào tạo trẻ bài bản, chất lượng, SLNA còn bay cao dài dài. Nghiệt cho người xứ Nghệ ở chỗ, ngay sau chiếc Cúp V-League đầu tiên, bóng đá Việt Nam chuyển sang thời buổi kim tiền. Các ngoại binh tốt của người xứ Nghệ bị chèo kéo, cầu thủ nội không đủ để giữ được vinh quang, SLNA chìm dài. Tệ hơn, vòng xoáy của bóng đá kim tiền đã cuốn phăng đi cả một thế hệ cầu thủ của họ - những người vốn quen chịu khổ, để rồi hàng loạt vụ tiêu cực xảy ra. Hạ tầng loạn, thượng tầng tan đàn xẻ nghé.

Ông Nguyễn Thành Vinh rời xứ Nghệ vào TPHCM với CLB Ngân hàng Đông Á, chẳng bao lâu sau, ông Hồng Thanh ra Hà Nội theo tiếng gọi của bầu Kiên. Bóng đá xứ Nghệ chìm trong đêm dài… Cho đến V-League 2011 - thời điểm mà thế hệ Trọng Hoàng, Văn Bình… của người xứ Nghệ chạm độ chín của sự nghiệp, thời  điểm mà ông Thanh sau bao năm làm việc cho bầu Kiên, thời điểm mà Hữu Thắng vừa tìm lại cảm hứng làm việc sau khi đưa Hà Nội T&T về hạng tư, thời điểm mà người xứ Nghệ cổ phần hóa đội bóng, bóng đá xứ Nghệ mới lại nở mặt nở mày. Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, thế nên dù còn kém nhiều đại gia về sức mạnh tiền bạc, người xứ Nghệ, bằng thứ tình cảm quê hương, vẫn giữ được những ngôi sao tốt nhất, bằng mối quan hệ tốt với các CLB nước ngoài, đã mua được ngoại binh tốt với giá rẻ, đã trở lại đỉnh cao bóng đá Việt sau 10 năm.

2. Mười năm trước khi giương cao Cúp V-League, Hữu Thắng - giờ là HLV của SLNA, có lẽ không thể ngờ rằng sau đó, bóng đá xứ Nghệ chìm trong đêm tối. Quãng thời gian ấy giờ đã là nỗi ám ảnh của người xứ Nghệ và ngay  sau khoảnh khắc hòa Hà Nội T&T để đoạt chức vô địch V-League 2011, người xứ Nghệ đã tự đặt câu hỏi rằng, liệu nỗi ám ảnh 10 năm trước có lại hiện về?

Câu hỏi phải chờ đến tương lai trả lời nhưng ngay trước mắt, người xứ Nghệ đã là những lo lắng, ưu tư. Chẳng ưu tư sao được khi những ngoại binh tốt của họ, đã theo tiếng gọi tiền bạc ra đi. Trung vệ gốc Brazil, Nguyễn Hoàng Helio đã trở lại Bình Dương. Kavin, Fargan rồi Ansha đã tới V.Hải Phòng. Thay cho họ là Abass, Bebe… Chất lượng của số ngoại binh này đạt tầm nào? Cứ nhìn trận tranh Siêu cúp quốc gia với Navibank Sài Gòn thì rõ, CĐV xứ Nghệ chưa có chút gì yên tâm khi những tân binh chưa cho thấy tín hiệu tốt. Người xứ Nghệ vẫn tự hào có dàn nội binh tốt. Điều đó chẳng sai nhưng bây giờ khi đã ở đỉnh cao, Trọng Hoàng, Văn Bình, Ngọc Anh… có còn khát vọng chinh phục, có còn vô tư cống hiến khi mà những bản hợp đồng tiền tấn vẫn mời gọi họ từng ngày? Mười năm trước, SLNA không đủ tiền giữ người tài. Giờ ngay cả khi Ngân hàng Bắc Á đứng sau lưng, điều tương tự tiếp tục diễn ra. Nói cách khác, người xứ Nghệ vẫn bị cái nghèo ám ảnh và nguy cơ cầu thủ “đứng núi này trông núi nọ” đeo đẳng thường ngày…

3. Sông Lam Nghệ An, nếu nhìn từ ngoại binh, có vẻ đang tụt lùi. Nghiệt cho họ ở chỗ, cũng như 10 năm trước, khi người xứ Nghệ dừng lại, các đối thủ lại không ngừng tiến lên. Nhìn quanh quất, đâu đâu cũng thấy những đối thủ sẵn sàng phế truất ngôi vương của người xứ Nghệ. Hà Nội T&T là đội đầu tiên tuyên bố vô địch giải Ngoại hạng 2012. Họ chẳng nói suông bởi ngoài bộ khung đã giành ngôi á quân năm trước, Hà Nội T&T đã rước được “sát thủ” Samson từ CS Đồng Tháp. Cạnh Hà Nội T&T là người anh em SHB Đà Nẵng. Đội bóng của HLV Lê Huỳnh Đức sau 2 bước lùi ở 2 mùa giải gần nhất, cũng sẵn sàng tranh đoạt cúp vô địch.

Chẳng riêng 2 đội bóng của “bầu” Hiển, ngôi vương của người xứ Nghệ còn đang bị CLB Sài Gòn, B.Bình Dương dòm ngó. “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, tiềm lực thì có vẻ như đã sa sút đi nhiều, lòng người xứ Nghệ đang ngổn ngang trăm mối ngay trước thềm giải Ngoại hạng 2012 khởi tranh…

Tường Khôi

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Cầu thủ Lâm Ti Phông (giữa) cùng Thanh Hóa kéo dài mạch 10 trận bất bại sau trận hòa 1-1 trước Bình Dương ở vòng 10. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

V-League 2023: Cuộc đua vô địch vơi dần ứng viên

Với kết quả hòa 1-1 trên sân Bình Dương vào ngày 1-6, Thanh Hóa thẳng tiến ở ngôi đầu bảng cùng khoảng cách 4 điểm khá an toàn so với đội theo sau là Công an Hà Nội FC. Kết quả khá bất ngờ bởi đã qua 10 vòng đấu, đội bóng xứ Thanh đang là đội duy nhất bất bại khi có 6 trận thắng, 4 hòa.

Bảng xếp hạng trong nước