Thời điểm Việt Nam chưa rút lui quyền đăng cai Asiad 18, khi thành phố Hà Nội công bố khoản ngân sách lên đến 1.100 tỷ để nâng cấp các cơ sở vật chất thể thao có sẵn để phục vụ đại hội, nhiều người đã giật mình: Hóa ra, chúng ta đang “đầu tư đến 2 lần” cho cùng một nơi. Vậy trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng thuộc về ai? Sự cố sập trần treo tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng cho thấy một phần nguyên nhân.
Đất vàng, thuê giá bèo
Các nhà thi đấu (NTĐ) tại TPHCM có đặc điểm chung là đều nằm ở vị trí đắc địa. Người ngoài nhìn vào, thấy đó là “đất vàng”, nhưng với người trong cuộc thì đấy là một nỗi khổ.
Để cho thuê chừng 100m2 trong khuôn viên làm quán cà phê hay quán ăn, ngay từ khâu thủ tục có thể khiến những nhà quản lý NTĐ muốn bỏ cuộc sớm vì phải tìm cách chứng minh mục đích kinh doanh phải phù hợp với công năng, phải chứng minh được thời gian mà việc cho thuê này phục vụ cho người chơi thể thao. Giá cho thuê thì chẳng nhiều hơn, thủ tục phức tạp hơn, hoạt động kinh doanh buộc phải gói gọn trong khuôn viên, nên dù là “đất vàng” thì cũng chưa chắc có nhiều người muốn thuê. Còn nếu cho thuê đối với hoạt động kinh doanh thể thao đơn thuần thì phải có chế độ ưu đãi về giá cả theo quy định của ngành, tức là cũng chẳng thu được bao nhiêu.
Không có thời gian nghỉ ngơi
Không thể cho thuê mặt bằng dài hạn thì chỉ còn cách tìm các nguồn thu ngắn hạn thông qua hoạt động cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện giải trí, thương mại. Về lý thuyết, đối với các cơ sở thể thao hiện đại, đây là trong một trong những mục đích chính của việc đầu tư xây dựng bên cạnh công tác phục vụ thể thao. Trên thế giới, bất kỳ dự án thể thao nào cũng đều tính đến việc khai thác kinh doanh địa điểm sau đó để làm phương án khả thi.
Khác với hoạt động thể thao, chủ yếu sử dụng mặt sân và khán đài thì những sự kiện giải trí hay thương mại lại buộc các NTĐ vận hành tối đa công suất và không gian đang có từ bên trong đến các... vỉa hè. Với những nơi có khuôn viên rộng nằm ở trung tâm như NTĐ Phú Thọ thì gần như các sự kiện thương mại đều muốn đến đây tổ chức thay vì chọn các NTĐ khác. Thế nên, trong khi NTĐ Phú Thọ không có thời gian để duy tu, bão dưỡng thì nhiều nơi như NTĐ Phan Đình Phùng, Rạch Miễu... lại rơi vào tình trạng “bất động” nhìn sự xuống cấp theo thời gian mà chẳng có kinh phí để bảo dưỡng.
Nỗi khổ không biết tỏ cùng ai
Tính từ SEA Games 2003 đến nay, ngoài quận Phú Nhuận xây mới NTĐ Rạch Miễu, đa số các công trình thể thao đều thu hẹp dần hoặc... biến mất. Trung tâm Hoa Lư thành sân bóng đá, CLB bi sắt Kỳ Hòa bị dẹp bỏ, CLB thể thao 257 Trần Hưng Đạo đang là địa chỉ của khách uống cà phê, hồ bơi Lam Sơn toàn quán nhậu... Thế nên mới có ý tưởng là bán các cơ sở trung tâm đang xuống cấp ấy để lấy tiền xây khu TDTT tại Rạch Chiếc hoặc khu vực trường đua Phú Thọ.
Khi chưa có cơ sở nào xây mới thì đương nhiên, phải tận dụng các cơ sở cũ cho nhiều mục đích mà khi xây dựng hoàn toàn chưa tính đến. Ví dụ như sức chứa và công năng của NTĐ Phú Thọ chỉ dành cho 5.000 đến 7.000 người mỗi sự kiện, nhưng khi tổ chức hội chợ, ước tính trung bình mỗi ngày lại có đến mấy chục ngàn lượt người. Hoặc như NTĐ Phan Đình Phùng chỉ có sức chứa chưa đến 3.000 chỗ ngồi, nhưng đã có sự kiện âm nhạc tại đây thu hút đến gần 7.000 khán giả sau khi lấy luôn mặt sàn thi đấu để phục vụ người xem. Các trần nhà của NTĐ được xây dựng trước đây chủ yếu để treo hệ thống làm lạnh và đèn, hoàn toàn không tính đến chuyện chịu đựng công suất của hệ thống loa âm thanh của các sự kiện giải trí.
Nếu để bảo đảm đúng công năng thì lại hoàn toàn không có ngân sách tự thu - chi để bảo dưỡng, duy tu. Nếu để các trung tâm thể thao trở thành đa chức năng lại phải xây mới hoàn toàn. Tuy nhiên, kế hoạch xây mới một địa điểm “đất vàng” như NTĐ Phan Đình Phùng đã nằm trên giấy suốt 7 năm qua khiến cho cơ sở này cũng như CLB 257 Trần Hưng Đạo (dự kiến đổi cho nhà đầu tư) rơi vào cảnh đắp chiếu theo thời gian nên mới xảy ra sự cố sập trần đáng tiếc vừa qua.
KHANG VIỆT - TRUNG SƠN