Đào tạo mang dấu ấn thương hiệu
Bóng chuyền nam Thể Công do Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT Quân đội đào tạo, quản lý trong khi bóng chuyền nam Biên Phòng do Đoàn TDTT Biên Phòng đào tạo, quản lý. Trải qua các năm thi đấu hệ thống giải trẻ quốc gia, ít nhất trong vòng 15 năm trở lại đây, bóng chuyền nam trẻ của 2 đơn vị này luôn giữ được vị trí ở nhóm đầu và từ đó ra lò cầu thủ triển vọng bổ sung cho tuyến lớn thi đấu vô địch quốc gia rồi đội tuyển quốc gia.
Hẳn nhiên, với người làm chuyên môn, nhắc tới thể thao Quân đội thì luôn đặt sự tin tưởng hàng đầu chính là tính kỷ luật và sự nghiêm chỉnh về tác phong trong huấn luyện chuyên môn cũng như giáo dục tư tưởng, rèn rũa ý thức tập luyện đối với từng cầu thủ ngay từ khi bước vào môn bóng chuyền ở tuyến năng khiếu. Đại diện ban lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT Quân đội từng bày tỏ, bóng chuyền là một trong những môn thế mạnh đào tạo của đơn vị vì vậy yếu tố chuyên môn luôn được quan tâm đáng kể. Đặc biệt, việc huấn luyện ươm mầm cầu thủ trẻ để làm hạt giống cho tương lai được chú trọng.
Trong khi đó, Đoàn trưởng Đoàn TDTT Biên Phòng – đại tá Hoàng Văn Khương từng trao đổi “hàng năm, chúng tôi luôn thực hiện công tác tuyển quân để tìm các cháu có năng khiếu thể thao qua đó tiếp tục đào tạo cho bóng chuyền nam. Việc đào tạo chuyên môn được xây dựng kế hoạch và chương trình thực hiện bài bản nhất và do các HLV đã có kinh nghiệm từ thi đấu tới huấn luyện của đơn vị thực hiện công tác đào tạo”.
Sau mùa giải 2021 các hoạt động của bóng chuyền trẻ phải tạm dừng vì ảnh hưởng bởi Covid-19, năm nay cầu thủ trẻ cả nước đã được cơ hội ra sân thi đấu nhiều hơn. Nếu ở chung kết vô địch trẻ toàn quốc 2022 tại Đắk Lắk, nam Thể Công thắng nam Biên Phòng giành chức vô địch thì sự xoay chiều đã xảy ra ở chung kết cúp các CLB trẻ toàn quốc (tối 14-10) tại Bắc Kạn (Biên Phòng thắng Thể Công). Trên thực tế, người yêu thích bóng chuyền thấy yên tâm vì cả 2 đơn vị đào tạo bóng chuyền nam mạnh nhất của thể thao Quân đội vẫn thể hiện được bản lĩnh, liên tiếp lọt vào trận chung kết cuối cùng.
Cần thêm nguồn xã hội hóa
Bóng chuyền Thể Công và Biên Phòng đều góp mặt ở giải vô địch quốc gia cũng như hệ thống giải trẻ. Mô hình chung của mỗi đội bóng đều có sự chuẩn bị chuyên môn bằng việc thực hiện công tác chiêu sinh, tuyển VĐV năng khiếu hàng năm rồi từ đó sẽ huấn luyện cơ bản. Sau giai đoạn trên, khi VĐV có khả năng với bóng chuyền, cầu thủ tiếp tục được lên tuyến trẻ tiếp tục rèn luyện và càng phát triển tài năng thì cơ hội lên đội 1 thi đấu vô địch quốc gia càng triển vọng.
Một thực tế lúc này, nhiều đội bóng trong nước đã và đang kêu gọi được tốt nguồn xã hội hóa đồng hành. Sự thật không thể phủ nhận rằng cầu thủ và các HLV luôn kỳ vọng lương, thưởng được tốt từ đó sẽ yên tâm hơn về công tác chuyên môn. Bóng chuyền Thể Công và Biên Phòng từng có nhà tài trợ trước đây. Nhưng lúc này, họ đang tự lực và vắng bóng nhà tài trợ. Chính vì thế, việc giữ được con người tốt ở lại với mình sẽ là rất khó trong khi rất nhiều đội bóng khác có triển vọng và cơ hội tốt hơn về thu nhập.
Với thể thao hiện đại, bài toán kinh tế là điều không thể xem nhẹ. Các đội bóng có chất lượng đào tạo chuyên môn, có thứ hạng ở giải vô địch quốc gia nếu thiếu vắng nguồn xã hội hóa luôn rất khó duy trì được một mạch thành tích lâu dài hoặc bị hạn chế ở việc trang bị thêm trang thiết bị và thực hiện những kế hoạch đào tạo, huấn luyện phát triển cao hơn nữa. Cần sự tài trợ là điều thiết yếu!
Trong các gương mặt trẻ của 2 đội nam Thể Công và Biên Phòng dự giải vô địch trẻ toàn quốc 2022 và vô địch các CLB trẻ toàn quốc 2022, một số cầu thủ như Phạm Xuân Sinh, Trần Văn Nam, Phan Quý Chi, Trịnh Ngọc Đạt đã được tập trung danh sách chuẩn bị của đội tuyển bóng chuyền nam Quân đội hướng tới Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022. |