Mỗi đội tuyển thể thao quốc gia có những phương án tập luyện riêng trong thời gian có tuyển thủ ở lại mà không về nhà đón Tết ở năm nay. Trong số này, những tay chèo của đội đua thuyền Việt Nam được xem là những con người quả cảm nhất.
“Tết năm nay chúng tôi không về nhà, vẫn xuống nước tập đều theo chương trình rèn luyện vì SEA Games 31 sắp diễn ra rồi. Với từng VĐV, chúng tôi trước mắt chỉ mong sao thi đấu đạt được kết quả tốt nhất mang vinh quang về cho tổ quốc đã. Nếu giành được một tấm huy chương dù bất kể là màu gì cũng là một kỷ niệm đẹp nhất với bất kỳ VĐV nào khi dự SEA Games ngay trên sân nhà”, tay chèo Phạm Thị Huệ của đội tuyển rowing Việt Nam bầy tỏ.
Cũng giống đàn chị Phạm Thị Huệ, nữ tuyển thủ Đinh Thị Hảo tin rằng “việc tập luyện dù xa nhà đúng dịp Tết nhưng tập thể đội tuyển đua thuyền chúng tôi quyết tâm không trễ nải, rèn luyện đúng giáo án ban huấn luyện đề ra”.
Dưới tiết trời se lạnh của miền Bắc khi tiết xuân của năm mới Nhâm Dần 2022 sắp về, hình ảnh những tay chèo nhẫn nại guồng mình vài chục km mỗi buổi tập đã không còn lạ cho bất kỳ ai có dịp ghé khu tập của đội tuyển đua thuyền Việt Nam. Sự quả cảm của họ chính ở việc, trong mỗi buổi tập, người và thuyền luôn ướt nhẹp vì nước nhưng đã là dân đua thuyền thì ai cũng quen để quên đi cảm giác lạnh dù cơ thể có thể săn lại bởi gió hồ cùng nước lạnh. VĐV đua thuyền sẽ phải thực hiện hết quãng đường tập, sau đó mới cập bến cất thuyền, tắm rửa nghỉ ngơi.
Năm nay, đua thuyền Việt Nam sẽ thi đấu các nội dung của rowing, canoeing và kayak vì thế gần như các tuyển thủ bỏ qua sự hối hả của cuộc sống bên ngoài đang nhộn nhịp với không khí Tết sắp tới mà chú tâm tập luyện. “Điều gì cũng có giá trị đi kèm nhưng lúc chuẩn bị và thi đấu thì mục tiêu giành được kết quả cao nhất ở vạch đích luôn là điều chúng tôi hướng tới. Thành tích của mình mang lại kết quả tốt thì chắc chắn sẽ có thành quả ghi nhận. Nói thật, xa gia đình dịp Tết là điều không ai muốn nhưng nhiều VĐV ở đội tuyển như tôi dù đã có gia đình, có con nhưng với đam mê nghề nghiệp nên còn chèo được là không bỏ cuộc”, Phạm Thị Huệ bày tỏ thêm.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn cho biết “lãnh đạo ngành đã quán triệt với ban Giám đốc các Trung tâm HLTTQG và các điểm tập chuyên biệt của các đội thể thao quốc gia khi có VĐV tập xuyên Tết năm nay đó là cố gắng tổ chức một cái Tết cho những người xa quê như ở nhà, đầm ấm nhất có thể. Tết phải có đón giao thừa, có gặp mặt, có mừng tuổi năm mới để những người tập xuyên không về nhà yên tâm phấn đấu cho mục tiêu quan trọng ở các đấu trường năm nay”.
Cũng mang một quyết tâm rèn luyện xuyên Tết như tuyển đua thuyền Việt Nam thì những kình ngư trọng điểm của đội tuyển bơi quốc gia năm nay không về nhà đón Tết bên người thân. Họ cũng xuống nước tập luyện không nghỉ tại các điểm tập huấn ở Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại 2 điểm này, nhóm 9 tuyển thủ quan trọng của đội tuyển bơi quốc gia chia đều quân số tập luyện. Nam tuyển thủ Trần Hưng Nguyên chia sẻ “Tết năm nay tôi không về với người thân ở Quảng Bình nhưng vì mục tiêu cao nhất về chuyên môn và sự tuân thủ đúng theo yêu cầu tập luyện, tôi vẫn yên tâm khi ở lại nơi tập luyện. Ngay khi hết Tết, chúng tôi có chương trình tập huấn Hungary nên nếu nghỉ Tết rất có thể bị đứt quãng về thể lực. Tập xuyên Tết cũng có ý nghĩa quan trọng”.