Những nỗi đau âm ỉ

Ông chủ V.Ninh Bình, tức bầu Trường đã quyết định giải tán đội bóng của mình, rất sốc. Nhưng phán quyết phũ phàng ấy không phải mới, khi mà nó đã có quá nhiều tiền lệ. Và đó, cũng là nỗi đau không phải nhà quản lý bóng đá nào cũng hiểu…

Chiều qua, thông tin được phát đi từ ông chủ đội bóng cố đô Hoa Lư rằng sẽ giải tán đội. Thực hư chưa mấy rõ ràng, và quyết định đó cũng chưa chắc trở thành hiện thực. Nhưng, có thể cảm nhận rằng ông chủ V.Ninh Bình đã “ngán” làm bóng đá đến tận cổ, bởi chẳng phải là lần đầu tiên bày tỏ ý định chia tay với môn thể thao vua, kể từ khi bước chân bén duyên cùng với nó.

Sai không ngán, khi mà đội bóng - đứa con tinh thần ấy được nuôi bằng vật chất thật lại không mang nhiều niềm vui cho bản thân, thậm chí nếu chẳng muốn nói rằng, gây quá nhiều phiền toái. Nhất là khi những gì bỏ ra (cả vật chất lẫn tinh thần) đều không mang về quá nhiều hiệu quả từ thương hiệu cho tới cái tiếng.

Thành thử,  bầu Trường bỏ bóng đá cũng chẳng khác gì bầu Thụy, bầu Thọ hay nhiều người đi trước. Và đương nhiên, nguyên nhân cũng chỉ gói gọi rằng: Chán thì nghỉ, thế thôi.

Cầu thủ V.Ninh Bình có biểu hiện tiêu cực là khởi đầu cho việc bầu Trường từ bỏ bóng đá. Ảnh: Quang Minh

Cầu thủ V.Ninh Bình có biểu hiện tiêu cực là khởi đầu cho việc bầu Trường từ bỏ bóng đá. Ảnh: Quang Minh

Đội bóng xứ Ninh Bình có thể giải tán, và hàng loạt cầu thủ (cả cầu thủ trẻ) sẽ phải ra đường. Đó là chuyện rất buồn, và có thể trách bầu Trường về quyết định rất phũ phàng ấy. Tuy vậy, nếu trách ông chủ V.Ninh Bình một thì cũng cần trách cách quản lý của bộ máy điều hành nền bóng đá đến mười.

Nói thế không phải đổ thừa, nhưng có khi nào VFF đã đề cao sự bền vững cho cả nền bóng đá bằng cách làm có chiều sâu, khoa học và đôi khi phải dựa trên tính pháp lý chưa? Xin trả lời, chưa bao giờ.

Bằng chứng, chỉ cần một doanh nghiệp, một ông bầu chịu chơi thích nhảy vào mua một đội bóng, ngay lập tức VFF mở tay chào đón, bất chấp ông bầu đó như thế nào. Chào đón và mong muốn các doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá, đó là điều đáng để làm.

Tuy nhiên, không phải ai muốn cũng có thể làm, hoặc nôm na rằng chẳng phải cứ muốn vào nhà là mời vào ngay. Sự hiếu khách cần có chừng mực, và phải có quy định rõ ràng. Có điều, nhà quản lý bóng đá Việt chỉ cần đông và vui, còn sự bền vững hoặc tâm huyết thì hạ hồi rồi tính. Thành ra, giờ đội bóng đất Cố đô Hoa Lư có bị xóa sổ, hay thêm vài đội nữa cũng là bình thường ở cái nền bóng đá mà chẳng biết gọi là chuyên nghiệp hay nghiệp dư này.

Một nền bóng đá như thế liệu có đau không, khi mà nó đã mang tên chuyên nghiệp, cũng như tốn rất nhiều công sức, tiền bạc cho bao lần “đi học” ở khắp các giải đấu lớn nhỏ khác? Hỏi đã là trả lời, chỉ có điều chưa chắc những nhà quản lý bóng đá đã hiểu điều đó. Bởi thế, cả chục năm qua V.League cứ èo uột, còn đội tuyển QG cứ mãi là niềm đau của người hâm mộ.

HÀ MÂY

Tin cùng chuyên mục