Từ sự khởi đầu
“Khi đứng trên bục nhận huy chương, tôi đã xúc động và không biết nói gì. Lúc đó, tôi hiểu rằng lịch sử của điền kinh Việt Nam là từ đây. Tôi thật sự vỡ òa khi có chiến thắng giành tấm HCV”, cựu tuyển thủ Vũ Bích Hường nhớ lại khi được hỏi về thời điểm mình giành HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại một kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games) kể từ khi chúng ta hội nhập với sân chơi của Đông Nam Á và châu Á, thế giới. Đó là thời khắc VĐV Vũ Bích Hường chiến thắng cự ly 100m rào nữ tại SEA Games năm 1995. Kết quả được ghi nhận là tấm HCV đầu tiên của chúng ta trên sân chơi quốc tế, đặc biệt là đấu trường SEA Games. Trong trí nhớ của nhiều người, trước khi có tấm HCV ấy, điền kinh Việt Nam cũng có một số kết quả ấn tượng như tấm HCB đầu tiên (nhảy cao nữ) của VĐV Vũ Mỹ Hạnh và HCĐ 100m rào nữ của VĐV Nguyễn Thu Hằng. Những kết quả huy chương đó là huy chương đầu tiên của chúng ta tại SEA Games 1991 kể từ khi hội nhập.
Bây giờ, trong câu chuyện kể lại, khi đã là HLV của điền kinh thể thao Hải Phòng và HLV của tổ nhảy cao thuộc đội tuyển điền kinh Việt Nam, HLV Vũ Mỹ Hạnh luôn bày tỏ tấm huy chương mãi là một kỷ niệm sâu đậm của bà cũng như càng thôi thúc cho mình phải nỗ lực hơn nữa giành những vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Còn với cựu VĐV Vũ Bích Hường, bà cũng cho biết “điền kinh luôn là môn được chú ý nhất trong các đấu trường Đại hội nên chúng tôi thật vinh dự khi đóng góp một phần công sức mang lại vị thế cho điền kinh nước nhà ở đấu trường khu vực”.
Cho tới nhiều bước ngoặt
Điền kinh Việt Nam tiếp tục chứng kiến nhiều bước ngoặt quan trọng sau giai đoạn trên nhằm khẳng định thêm vị thế cho mình để vượt khỏi Đông Nam Á, có kết quả tại châu Á. Năm 2003, Bùi Thị Nhung khiến điền kinh châu Á ngỡ ngàng khi bước vào đà giậm nhảy của nữ tuyển thủ người Hải Phòng này đủ giúp cô có thành tích 1m88 (nhảy cao) và giành HCV giải điền kinh vô địch châu Á. Lần đầu, điền kinh Việt Nam đạt kết quả quan trọng như vậy ở sân chơi vô địch châu lục.
Từ sức bật đó, thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh Việt Nam nói riêng nối tiếp những thành công ở giải vô địch châu Á. Giai đoạn từ 2006 tới 2010, bộ đôi Trương Thanh Hằng (800m, 1.500m) và Vũ Thị Hương (100m, 200m) là đại diện tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á, mang lại nhiều kết quả quan trọng. Trong giải điền kinh vô địch châu Á 2007, Trương Thanh Hằng giành 1 HCV còn Vũ Thị Hương giành 1 HCB, 1 HCĐ. Sau đó, họ tiếp tục có 2 HCB, 2 HCĐ ở giải vô địch châu Á năm 2009. “Đó là giải đấu chúng tôi vẫn rất nhớ, Hằng và Hương đạt tới đẳng cấp của châu Á và bước chạy của khó khiến nhiều đối thủ trong châu lục phải dè chừng”, nguyên phụ trách bộ môn điền kinh (Cục TDTT) – ông Dương Đức Thủy đã trao đổi. ASIAD 16 (năm 2010), riêng Thanh Hằng và Vũ Thị Hương đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam 3 HCB, 1 HCĐ và lần đầu tiên ở cấp độ Đại hội thể thao châu Á, điền kinh chúng ta giành được HCB quý giá như vậy.
Những bước chạy, những đôi chân của tuyển thủ điền kinh Việt Nam không ngừng nghỉ giành thêm thành tích. Lần lượt Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Quách Thị Lan (400m) đã giành HCV tại ASIAD 18 hay Nguyễn Thị Huyền, Bùi Thị Thu Thảo giành HCV giải vô địch châu Á. Chưa kể, điền kinh Việt Nam tự tin đạt được các suất chính thức dự Olympic năm 2012, 2016 từ kết quả của Thanh Phúc, Thành Ngưng (đi bộ), Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào nữ)... Năm 2023, điền kinh Việt Nam làm nên lịch sử là tấm HCV tiếp sức 4x400m nữ ở giải vô địch châu Á và lần đầu tiên chúng ta vô địch một nội dung tiếp sức trong giải châu lục.
Lúc này, một đại diện tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam là tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh. Ở SEA Games 32, một mình cô giành 4 tấm HCV và được bầu chọn là 1 trong những gương mặt xuất sắc nhất tại kỳ Đại hội thể thao khu vực này. Nguyễn Thị Oanh đang chuẩn bị thi đấu giải vô địch quốc gia marathon và chạy dài Tiền Phong 2024 hướng tới mục tiêu lập kỷ lục lần thứ 8 liên tiếp vô địch tại giải.