1. Hổm rày, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Henrique Calisto đang nhức đầu về tình hình nhân sự của đội tuyển. Người viết bài này lo quá! Cứ cái đà này không khéo ông Calisto lại bị “xì-trét” như ông Tavares ở Tiger Cup 2004 mất. Nhưng nghĩ lại, HLV chuyên nghiệp làm bóng đá trong môi trường nghiệp dư như bóng đá Việt Nam mà không bị “xì-trét” mới lạ.
Ai đời, đội tuyển quốc gia triệu tập cầu thủ mà người tới người không, người sớm người muộn, có người vừa tới lại lập tức nằng nặc xin về. Liên đoàn bóng đá thì “mũ ni che tai”, chẳng thấy ý kiến ý cò gì, cứ như chuyện đội tuyển quốc gia không phải chuyện của mình. Chắc chỉ ở Việt Nam mới có tình trạng quái gở này. Ở nước người ta, cầu thủ từ chối làm nhiệm vụ quốc gia không có lý do chính đáng là bị các tổ chức bóng đá phạt cho sói trán.

Đội tuyển quốc gia – thiếu trước hụt sau!
2. Vợ ốm con đau, trong cuộc sống ai mà chẳng gặp. Còn gặp đủ thứ tương tự như thế hoặc hơn thế. Nhưng đã là một cầu thủ chuyên nghiệp đang làm nghĩa vụ quốc gia thì anh phải biết sắp xếp cho khéo léo, chu toàn. Hổng lẽ đang đá World Cup, nghe tin con ốm là David Beckham hoặc Buffon lập tức xách va-li bỏ về?
Trên thế giới, đã có những trường hợp nghe tin bố mẹ qua đời, cầu thủ cũng chỉ bay về nhà dự đám tang rồi lập tức quay lại nơi đội tuyển tập trung. Những trường hợp bất khả kháng thì không kể, còn những chuyện như đã nói ở trên xảy ra khá thường xuyên trong cuộc sống, nếu vin vào những lý do đó để từ chối nghĩa vụ quốc gia thì có lẽ không đội tuyển nào trên thế giới tập trung đầy đủ được cầu thủ.
3. Người Việt Nam sống nặng về tình cảm, nên hay nói về cái tình, hay đem cái tình ra để biện minh cho cách hành xử của mình, và trong nhiều trường hợp chủ nghĩa tình cảm vô bờ bến đó đã vô tình phá vỡ những nguyên tắc văn minh trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo thông tin trên báo chí thì nguyên nhân khiến thủ môn Thế Anh rời đội tuyển là do anh chán ngán vai trò thủ môn dự bị của mình. Nhiều nguồn tin cho rằng vì thủ môn Phan Văn Santos đã nằm trong tâm thức của ông Calisto, là “kẻ được chọn” nên Thế Anh không còn động lực phấn đấu.
Nếu thông tin trên là đúng, người viết bài này có thể thông cảm được tâm trạng của Thế Anh, nhưng sẽ không đồng tình với thái độ của anh. Nếu là cầu thủ có tinh thần chuyên nghiệp, việc bị đánh giá thấp hơn Santos lẽ ra phải là động lực để anh phấn đấu. Chính vì chạy sau đối thủ, anh mới có động lực để cố chạy nhanh hơn, cố vượt qua đối thủ. Bóng đá là trò chơi công bằng, ở đó tài năng và phong độ đóng vai trò quyết định.
Rõ ràng ông Calisto không hề thiên vị trong chuyện này. Về xử lý các pha bóng bổng, về khả năng phát bóng chiến thuật bằng chân, Santos trội hơn Thế Anh và các thủ môn khác ở V-League. Điều đó ai cũng thấy. Lẽ ra điều đó phải kích thích Thế Anh nỗ lực hơn trong tập luyện để chờ cơ hội “hất cẳng” Santos bằng chính tài năng của mình. Đó mới là thái độ đúng đắn của một cầu thủ chuyên nghiệp.
4. Bóng đá là một trò chơi và trò chơi nào cũng có quy luật của nó. Một đội bóng có 22 người nhưng chỉ có 11 người được ra sân. Mười một người còn lại chọn băng ghế dự bị làm nơi “thường trú” bất đắc dĩ. Nếu trung phong chính thức vẫn ghi bàn đều đặn có nghĩa là trung phong dự bị khó có cơ hội ra sân. Nếu tiền vệ tấn công chính thức giữ vững phong độ thì tiền vệ tấn công dự bị chỉ biết ngồi ngáp vặt trong khu kỹ thuật.
Tương tự như thế, một khi thủ môn chính thức vẫn còn là lá chắn hữu hiệu bảo vệ khung thành thì thủ môn dự bị sẽ chìm đắm mỏi mòn trong bóng tối. Nếu tư duy nghiệp dư theo kiểu cầu thủ của ta thì tất cả các cầu thủ dự bị của mọi đội tuyển quốc gia trên thế giới đều xin rút lui tất tần tật khi cảm thấy cánh cửa cơ hội đã đóng sập trước mũi mình? Tất cả tiền vệ tấn công của Brazil sẽ từ chối vào đội tuyển khi ở đó đã có sẵn hai thiên tài Kaka và Ronaldinho? Và ai thèm làm thủ môn dự bị cho đội tuyển Tây Ban Nha khi ở đó đã ngự trị thủ môn kiệt xuất Casillas? Nhưng trên thực tế, thảm trạng đó đã không hề xảy ra ở bất cứ đâu, trừ Việt Nam.
Bởi nếu xoay chuyển ý nghĩ đi một chút, các cầu thủ sẽ hiểu rằng một trong những đặc tính quan trọng của bóng đá chính là tính cạnh tranh. Cầu thủ càng chuyên nghiệp thì tính cạnh tranh càng cao. Sự cạnh tranh quyết liệt cho vị trí thủ môn chính thức giữa Oliver Kahn và Jens Lehmann rõ ràng là một tấm gương điển hình, và điều đó chỉ làm lợi cho đội tuyển Đức. Một ngày nào đó, cầu thủ chính thức dù quan trọng đến mấy cũng sẽ ốm đau, chấn thương hoặc sa sút phong độ. Đó là cơ hội cho những anh tài bước ra từ bóng tối. Và đó là quy luật của bóng đá. Vấn đề còn lại là tính chuyên nghiệp, tinh thần cầu tiến và sự tự tin vào bản thân của cầu thủ mà thôi. Thiếu những đức tính đó, các cầu thủ biếng nhác rất dễ đổ vấy cho sự thiên vị của HLV.
5. Đó là chuyện nghề. Còn thái độ đối với nghĩa vụ quốc gia nữa. Với một công dân, không có gì vinh dự hơn là được khoác áo đại diện cho đất nước của mình, trong bất cứ lãnh vực nào. Tại sao Leonel Messi, Robinho, Diego... nhất quyết đòi thi đấu cho đội tuyển Olympic Argentina và Brazil bằng được, bất chấp sự ngăn cản của câu lạc bộ - là nơi họ phục vụï? Nếu vì tiền thì họ đã vâng lời các ông chủ câu lạc bộ - những người đã trả “tiền tấn” cho họ.
Đằng này họ làm ngược lại. Họ cũng không phải vì danh, vì đây là giải Olympic chứ không phải World Cup và vì họ đã là những ngôi sao chói sáng trên bầu trời bóng đá Họ không cần tự giới thiệu trước quảng đại người xem nữa, thậm chí nếu đá thua (như Robinho, Diego và Ronaldinho) có khi họ còn “xuống giá”. Thế nhưng các siêu sao kể trên vẫn khao khát được đến Bắc Kinh 2008. Chẳng qua họ cảm thấy tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo đại diện cho đất nước họ. Niềm tự hào đó, vinh dự đó, không gì đánh đổi được, tiếc là nhiều tuyển thủ của chúng ta không cảm nhận được mà thôi!
Chu Đình Ngạn