
Nếu nói đá bóng là một nghề thì đấy là một công việc đáng để theo đuổi. Lúc đá bóng thì nhận lương cao, tiền lót tay đủ mua xe hơi vi vu. Hết đá thì làm HLV hay dùng tên tuổi của mình để kinh doanh. Kiểu gì thì vẫn là một nghề rất thời thượng.
Khác với ngày xưa, nhiều danh thủ bóng đá chìm trong cuộc sống cơ cực sau khi rời xa sân cỏ. Cầu thủ bây giờ có thể sống khỏe với cái nghề mình đã chọn. Nếu không theo tiếp công tác chuyên môn, thì với một chút khôn ngoan, họ có thể trở thành ông chủ bằng việc kinh doanh tên tuổi và sự am hiểu của mình về bóng đá. Bóng đá giờ đã là một nghề mà hàng triệu cậu bé khắp Việt Nam mơ ước từ lúc còn đá bóng trên những cánh đồng.
Cầu thủ hay cho rằng dư luận quá khắt khe với họ trong vấn đề thu nhập. Điều đó cũng đúng. Thu nhập cầu thủ có cao hơn mặt bằng xã hội nhưng quãng thời gian làm nghề để có số tiền lớn ấy thì rất ngắn. Nhiều nhất cũng chỉ chục năm. Đấy là nếu may mắn không dính chấn thương. Hơn nữa, dù 1 tuần ra sân 1 lần, nhưng số ngày còn lại phải tập luyện di chuyển liên tục. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu áp lực từ dư luận.
Hay nói đúng hơn, đá bóng là một nghề đặc biệt với mức độ rủi ro cao. Thu nhập có vượt khung, cũng là điều có thể chấp nhận.

Cầu thủ đã thời thượng hơn, lắm chiêu trò chẳng kém gì giới showbiz…
Nói đi thì phải nói lại. Người làm nghề tử tế, có lãnh tiền cao thì cũng chưa chắc bị thiên hạ dòm ngó. Nhưng cầu thủ Việt Nam, lại chưa nhìn nhận cái nghề của mình một cách nghiêm túc. Ví dụ như trường hợp bị truy sát của hậu vệ Chí Công. Chẳng hiểu tại sao đang trong quá trình thi đấu giải, anh lại cho phép mình chơi bóng đá phong trào, trên sân cỏ nhân tạo. Nếu có chấn thương thì sao? Ai chịu trách nhiệm về tai nạn ấy? Rồi chuyện thủ môn Thanh Thắng của Đồng Nai gân cổ lên đổ tội trọng tài “sặc mùi rượu” trong trận đấu. Ai cho phép điều đó được xảy ra nếu người ta thực sự quý trọng nghề nghiệp của mình.
Trước đây, cầu thủ bóng đá được quản lý theo kiểu nhà binh. Tập trung 24/24 mỗi khi vào giải. Không vô cớ mà các đội bóng khắt khe như vậy, bởi cứ “nhả” ra là thế nào cũng có chuyện, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả đội. Đến thời chuyên nghiệp, cầu thủ yêu cầu có thêm sự tự do và lãnh đạo các CLB cũng tin rằng chính cầu thủ sẽ có ý thức bảo vệ nghề nghiệp của mình. Hơn nữa, CLB cũng chẳng đủ người để quản cầu thủ. Nhưng cũng từ khi ấy, hình ảnh cầu thủ đêm đêm vào vũ trường, quán nhậu trở nên phổ biến.
Dư luận không phải là không có lý do để bàn luận về thu nhập của các cầu thủ.
Nghề nào, nghiệp ấy. Cái cụm từ “quần đùi áo số” nay đã biến mất. Cầu thủ đã thời thượng hơn, lắm chiêu trò chẳng kém gì giới showbiz. Xã hội ngày càng xem họ trở nên quan trọng nhưng có lẽ, chính họ lại làm cho mình xấu đi trong mắt người khác khi vẫn chưa nghiêm túc với nghề đá bóng của mình.
Hỏi các nhà quản lý CLB thì 100% họ đều trả lời “cứ buông cầu thủ ra thì có chuyện ngay”. Bầu Thắng, Bầu Đức lừng danh trên thương trường là thế, nhưng cứ lắc đầu ngán ngẩm khi nói chuyện quản lý bóng đá. Ẩn đằng sau chữ “chuyên nghiệp”, mỹ từ “ngôi sao” vẫn là một nền bóng đá nghiệp dư lãnh lương chuyên nghiệp. Ngẫm cho cùng, chẳng có công việc nào được xem là một nghề tử tế mà mặt bằng văn hóa lại không đi cùng với thu nhập.
Hồ Việt