Tín hiệu vốn chẳng có gì tốt khi các cổ động viên Anh từng căng tấm biểu ngữ “McClaren đi đi” tại World Cup. Lúc đó mới chỉ là tháng 6 – khi ông Steve McClaren còn chưa chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng tuyển Anh. Còn giờ đây, có vẻ như tín hiệu vẫn không mấy khả quan!
Tuy kế nhiệm ngài Sven Goran Eriksson – người rất thường hay bị chỉ trích trong quãng thời gian nắm tuyển Anh – ông McClaren thậm chí còn bị đánh giá thấp hơn vị huấn luyện viên người Thụy Điển và ông phải đối mặt với nhiều thứ được xem là không thể.
Cổ động viên không muốn ông. Ông không có được uy tín, tài năng như ông Luiz Felipe Scolari hay ông Juergen Klinsmann. Thành tích mà ông gặt hái được là rất thấp – ngoại trừ một lần đứng hạng 3 tại Premier League và từng vào đến trận chung kết cúp UEFA 2006, ông chẳng có thêm danh hiệu gì. Cùng với sự thất bại của ngài Eriksson tại World Cup, ông McClaren cũng gánh chịu ít nhiều chỉ trích.
Kể từ khi ngài Alf Ramsey dẫn dắt tuyển Anh giành ngôi vô địch World Cup duy nhất tại Wembley hồi 40 năm trước, lần lượt những Don Revie, Ron Greenwood, Bobby Robson, Graham Taylor, Terry Venables, Glenn Hoddle, Kevin Keegan rồi Eriksson với kỷ lục ấn tượng và sự danh tiếng đến tiếp quản tuyển Anh. Tất cả họ đều cố gắng rồi… thất bại.
Tuyển Anh chưa từng giành ngôi vô địch thế giới thứ hai. Tại ba kỳ World Cup gần đây, họ đều dừng bước ở tứ kết. Đó là lý do tại sao tấm ảnh chụp đội hình tuyển Anh hồi năm 1966 luôn hiện diện trong các buổi phỏng vấn của báo giới sau này. Có những thứ người ta vẫn chưa quên vì… chưa có vinh quang mới thay thế.
Tại World Cup, hơn 70 ngàn người Anh theo chân những David Beckham, Wayne Rooney, Micheal Owen, Frank Lampard và Steven Gerrard đến Đức để cầu mong tìm thấy lại ngôi vô địch thế giới. Họ chờ đợi ngài Eriksson rồi ông McClaren (từng trải qua hai năm rất thành công trong vai trò… trợ lý cho ông Alex Ferguson ở M.U) chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng, bóng đá Anh là số một trên hành tinh. Và 70 ngàn người Anh, không ai không thất vọng!
Cho dù ông McClaren đang cố gắng khiến mọi người yên lòng: “Mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác so với 5 năm dưới thời ông Eriksson. Tôi sẽ tìm kiếm một số thay đổi và làm tươi mới một số thứ khác. Mục tiêu là cố gắng mang cả quốc gia đến gần nhau hơn, mang tuyển Anh gần gũi với các câu lạc bộ và cổ động viên hâm mộ”, sẽ chẳng có ai cảm thấy yên lòng.
Đơn thuần vì người ta không muốn ông, chính xác hơn thì ông chỉ là… nhân vật ngoài dự kiến. Ông McClaren chỉ tìm được công việc khi ông Scolari chạy trốn giới truyền thông Anh và quyết định tái ký hợp đồng với Bồ Đào Nha, khi ông Guus Hiddink chọn nước Nga làm bến đậu phiêu lưu mới. Ông McClaren chỉ xuất hiện khi người Anh rơi vào thế “chẳng đặng đừng”.
Ông sẽ đỡ phải nhức đầu vì không cần quyết định “lấy” băng thủ quân của Beckham. Chính anh này đã tự giác “giao nộp quyền uy” của mình. Nhưng ông sẽ rất mệt mỏi khi tìm ra cách phát huy hết tài năng của số tiền vệ và tiền đạo đẳng cấp của tuyển Anh. Ông cũng sẽ rất mệt mỏi nếu muốn thoát khỏi cái bóng – dù không quá lớn – của ngài Eriksson.
Nên nhớ, tuy toàn thất bại ở các giải đấu lớn, ngài Eriksson vẫn là một “ông vua vòng loại” với kỷ lục chỉ thua 1 trong 23 trận (có cả trận thắng đầy tiếng tăm 5-1 trước tuyển Đức tại Munich). Ông McClaren – sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình ở khuôn khổ vòng loại Euro 2008 bằng trận đấu với Hy Lạp vào đầu tháng 9 này – chỉ có đúng một trận để “được” thua. Nếu ông không làm tốt, tiếng rền rĩ “McClaren đi đi” sẽ vang vọng mỗi lúc một lớn.
TIỂU PHƯƠNG