Chấm dứt sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 26 vì chấn thương quá nặng, Anh Khoa đang nuốt nước mắt vào trong. Anh mới chỉ vừa đặt chân vào thế giới chuyên nghiệp, vẫn đang chờ ký bản hợp đồng bạc tỷ đầu tiên để có tiền trang trải cho tương lai, cho niềm đam mê với trái bóng tròn.
Nếu 18 tháng trước, cú bay người của trung vệ Quế Ngọc Hải chỉ sượt qua đầu gối, thì giờ đây, Anh Khoa có thể vẫn đang được chơi bóng trong màu áo của Đà Nẵng, thỏa chí vẫy vùng ở đấu trường V-League sau nhiều năm phấn đấu từ tuyến năng khiếu, trẻ để có tên trong đội hình 1 của đội bóng bên bờ sông Hàn…
Tiếc thay, đã không có chữ “nếu” nào cả và Anh Khoa chia tay nghiệp “quần đùi áo số” trong sự thương cảm của nhiều người. Đương nhiên, đa số khi được hỏi đều trách trung vệ xứ Nghệ đã “ra chân” quá tàn nhẫn, phá hỏng sự nghiệp mới chỉ chớm nở của một đồng nghiệp, nên dù có đền bù bao nhiêu tiền, có hối lỗi bao nhiêu lần đi chăng nữa, đấy cũng giống như một vết nhơ trong cuộc đời cầu thủ Quế Ngọc Hải.


Sau pha vào bóng ác ý của Ngọc Hải, Anh Khoa không thể hồi phục và phải chia tay sự nghiệp. Ảnh: T.L
Đến đây, chính những người đã và đang làm bóng đá lại cảm thấy rợn người với bóng đá bạo lực ở xứ ta, hiện diện ngày càng nhiều ở sân chơi V-League, đã góp phần gây ra quá nhiều cảnh bất hạnh cho các cầu thủ. Chẳng ai muốn điều tồi tệ xảy ra, nhưng bóng đá vốn dĩ đã tiềm ẩn trong nó những nguy cơ và bùng lên bất cứ thời điểm nào, không chừa bất cứ ai.
Anh Khoa, rồi trước đó là Bùi Xuân Hiếu, là Anh Hùng… chỉ còn biết tự than rằng số mình kém may mắn và nghiệp “quần đùi áo số” thật bấp bênh, thật đáng sợ khi rơi vào nghịch cảnh phải bỏ nghề vì đồng nghiệp chơi xấu. Ở đây, nhiều nhà chuyên môn, nhiều HLV đã lên tiếng chỉ trích lối chơi nhuốm màu bạo lực và đầy tiểu xảo của một vài CLB, trong đó nổi lên lò SLNA, nơi sản sinh ra những cầu thủ giỏi cho bóng đá Việt Nam, nhưng cũng sản sinh ra nhiều “máy chém” qua các thời kỳ.
Bóng đá chuyên nghiệp thì phải đàng hoàng, phải chỉn chu, ít tiểu xảo, là nơi tôn vinh lối chơi đẹp, khẳng định giá trị thực sự của những tài năng trên sân cỏ… nhưng dường như nó vẫn là một giấc mơ khó đối với bóng đá Việt Nam. Đi kèm với những chế tài nặng từ phía Ban tổ chức giải, từ VFF luôn là sự cầu xin từ chính các CLB có cầu thủ phạm luật, thành thử mọi án phạt dù bị cho là ác nghiệt đến đâu cũng chẳng đủ sức răn đe cầu thủ, đội bóng.
V-League đang phải chống chọi với nhiều thứ, từ sự yếu kém trong công tác quản lý trọng tài cho đến bất lực với nạn bạo lực sân cỏ, làm loạn trên khán đài, phát biểu văng mạng của các ông bầu…. sẽ càng khiến nghiệp “quần đùi áo số” của nhiều người trở nên thiếu bền vững và đầy trắc trở.
LÊ QUANG