
…thì chắc chắn một điều: chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Cuộc sống vẫn tiếp tục và hàng tuần bóng vẫn lăn trên khắp các sân cỏ cả nước. Hơn một lần, những nhà tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng (Báo SGGP) đã tự… dồn mình đến cái chân tường ấy như thể để tìm giải tỏa căng thẳng trong mỗi lần tổ chức…
Bởi sự thật là nếu không có QBV, cũng chẳng sao cả. Giải thưởng là một hình thức để tôn vinh các tài năng bóng đá Việt Nam trong một năm đá bóng. Không có giải thưởng, cũng không hẳn là đã không có ngôi sao nào đó được thừa nhận. Nói cho cùng, một cầu thủ khi ra sân thi đấu, tự họ đã có trách nhiệm với tên tuổi của mình. Họ cống hiến không hẳn là chờ đợi một sự công nhận nào đó. Hơn nữa, bóng đá là môn chơi của tập thể và sự tỏa sáng của một cá nhân, trước hết đã được tập thể ấy thừa nhận bằng thành tích cuối mùa giải.

Tuyển thủ Lê Huỳnh Đức 3 lần đoạt Quả bóng vàng (1995, 1997 và 2002) do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức
Nhưng cũng có một câu chuyện vui thế này: Một người có nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt, khi cơ thể có vấn đề cũng dễ chẩn đoán bệnh hơn là một người chẳng làm gì hại đến sức khỏe mình. Chuyện vui này thì chẳng liên quan gì đến giải thưởng QBV nhưng hãy thử nghĩ xem, sau một mùa giải, khi các giá trị thành tích thi đấu đã được ghi nhận một cách cụ thể, sự có mặt của giải thưởng QBV lại là một cách khác để người ta xem lại “thể trạng” của nền bóng đá. Một năm mà có nhiều ứng cử viên để lựa chọn thì rõ ràng, đấy là thời điểm mà bóng đá nội địa hưng thịnh. Và ngược lại.
Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề không phải là giải thưởng QBV có cần thiết hay không mà chính vì có giải thưởng, chúng ta có thể có một cái nhìn nhanh nhất, trực quan nhất về một năm bóng đá. Một kiểu chẩn đoán bệnh trước khi tiến hành khám chi tiết vậy.
o0o
Có quá nhiều lý do để có thể tạm ngưng trao giải thưởng QBV trong 1 hay 2 năm, nhưng lại khó mà tìm câu trả lời cho câu hỏi “nếu không có QBV thì sao?” dù như đã nói ở trên, ai cũng biết chắc chắn là “chẳng sao cả”.
Đây là câu chuyện của cảm xúc. Giải thưởng này đã đi vào đời sống bóng đá một cách thầm lặng để rồi có một chỗ đứng nhất định trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thời gian trôi qua, người ta không còn hỏi “QBV có cần thiết hay không?” mà quan tâm là “làm sao để có những QBV xứng đáng nhất”.
Cảm xúc ấy đi kèm với những kỳ vọng đối với bóng đá nước nhà. Không người yêu bóng đá nào lại không muốn thấy bóng đá Việt Nam phát triển. Cách đây vài năm, người hâm mộ có thể bỏ qua các vấn đề liên quan đến giá trị “ảo” của cầu thủ miễn là ở mỗi cuối tuần, các ngôi sao ấy chơi thứ bóng đá tốt nhất để họ thưởng lãm. Bây giờ cũng vậy, người ta không hề quay lưng với bóng đá Việt Nam mà chỉ là thể hiện sự đòi hỏi khắt khe hơn đối với bóng đá nước nhà. Chẳng ai tiếc tiền để mua vé xem một trận cầu hay. Người ta chỉ tức giận khi phải mua vé vào sân để… xem kịch hay đấu võ.
Và với giải thưởng QBV cũng vậy. Không ai muốn tạm ngưng trao QBV, người ta chỉ tiếc nuối, trăn trở và đôi khi giận dữ khi không tìm được ai để bầu chọn. Âu cũng là sự thể hiện trách nhiệm và kỳ vọng đối với bóng đá Việt Nam vậy.
Hồ Việt
| |