Nền bóng đá sẽ về đâu?

Chuyện hơn chục cầu thủ V.Ninh Bình làm độ ở AFC Cup, rồi sẽ chịu sự trừng phạt của VFF lẫn pháp luật là hiển nhiên. Song, mấu chốt vấn đề không chỉ nằm ở những người phải chịu trách nhiệm với việc mình làm. Mà hệ quả kéo theo là cả nền bóng đá cũng bị ảnh hưởng xấu trong mắt bạn bè và AFC nữa.

Nó cũng dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề khác. Đơn cử là một số người ở VFF nhiệm kỳ 7 muốn giúp nền bóng đá đi lên thì nay phải đi lo dẹp cái xấu từ một đội bóng nảy sinh tiêu cực. Càng lo hơn là nó không chỉ gói gọn ở phạm vi quốc nội. Thứ nữa là V-League năm nay sẽ còn 12 CLB, có nghĩa không có đội xuống hạng. Việc này được coi như “kỷ lục” trong lịch sử bóng đá nước nhà là hai năm liền giải đấu cao nhất không có CLB tụt hạng.

Hệ lụy từ việc 11 con người nhúng chàm không chỉ khiến bầu Trường đổ sông đổ biển bao nhiêu công sức, tiền của mấy năm qua mà còn lắm thứ khác. Chẳng hạn là hình ảnh bóng đá Việt Nam bị méo mó hơn trong mắt bạn bè khu vực và châu lục, dù trước đó vốn chẳng tròn trịa gì.

Thêm một việc không thể không nhắc. Còn nhớ ngày mới nhậm chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, ông Lê Hùng Dũng phát biểu mỗi năm sẽ đem về cho bóng đá nội con số hơn 300 tỷ đồng. Chung quy lại, đó là con số ấn tượng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bóng đá Việt Nam sẽ ra sao khi có những tuyển thủ dẫn đầu nhóm bán độ như cầu thủ Trần Mạnh Dũng (V.Ninh Bình). Ảnh: Minh Hoàng

Bóng đá Việt Nam sẽ ra sao khi có những tuyển thủ dẫn đầu nhóm bán độ như cầu thủ Trần Mạnh Dũng (V.Ninh Bình). Ảnh: Minh Hoàng

Giờ thì sự thật chưa biết thế nào, nhưng nhiều người lo sợ rồi đây bóng đá trong nước sẽ chịu thiệt sau sự cố V.Ninh Bình làm bậy. Vì chắc chắn, không ít doanh nghiệp cảm thấy “nhờn” và sẽ cân nhắc chuyện tài trợ. Lẽ dĩ nhiên, nếu có tài trợ đi chăng nữa thì thương hiệu doanh nghiệp cũng sợ bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác, đổ tiền vào các giải đấu lúc này như trò đánh đu theo các CLB vốn chẳng trong sạch và chưa bao giờ dám nói đội tôi không tiêu cực.

Sự thật thì dư luận còn tỏ ra rất lo cầu thủ vừa đá, vừa đánh. Ai cũng biết những chiêu đó quá cũ, nhưng do lãnh đội hám thành tích rồi quên mất các cầu thủ cũng cố làm hài lòng cấp trên bằng những trận thắng, nhưng phía sau họ còn kiếm chác thêm ở mặt trận khác.

Đúng là điều này không phải đến giờ bể ra ở V.Ninh Bình mới nhắc đến. Thực tế thì ngay đội tuyển U23 hay đội tuyển QG cũng không ít lần cho “nổ tài”. Nó trùng hợp với câu hỏi của người hâm mộ đặt ra là tại sao mỗi lần đá với Campuchia, Lào, Brunei… thường có những tỷ số kinh hoàng đến vậy? Còn các quan chức cứ thấy thắng to là vui mà quên mất cầu thủ được ăn cả hai đường.

Bóng đá ở ta có thói xấu là nếu chưa bị bể cứ hay dúm dúi, che đậy còn tới khi thè lè nhiều người lại tìm cách đơn giản hóa vấn đề.

Một nền bóng đá mới nổ ra chuyện 11 cầu thủ nhúng chàm mà đã rúng động, rõ ràng là nhiều đội có tật giật mình. Do lúc này không ít kẻ lo sợ chẳng biết khi nào công an sờ gáy. Một nền bóng đá mà chỉ có mỗi bầu Trường muốn làm ra ngô, ra khoai còn nhiều bầu hay lãnh đạo khác im hơi lặng tiếng đủ hiểu phía sau nó còn nhiều thứ xấu xa hơn nữa. 

Bóng đá Việt Nam bước sang nhiệm kỳ mới chưa bao lâu thì đang có nguy cơ cái sảy nảy cái ung. Song, cũng tin là VFF trị tới nơi tiêu cực, chứ không làm đến cùng thì các hệ lụy nói trên sẽ rất khó lường.

ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục