Bóng bàn vừa dự giải đồng đội VĐTG 2016 tại Malaysia trở về (đội tuyển nữ Việt Nam xếp hạng 29 và đội nam xếp hạng 41). Sau giải này, bóng bàn Việt Nam tiếp tục trở về Hà Nội tập huấn chuẩn bị dự vòng loại Olympic 2016 vào tháng 4 tới.
Sau nhiều năm, bóng bàn Việt Nam mới cử cả 2 đội nam, nữ tham dự thay vì chỉ một đội nam nhiều năm trước. Theo tìm hiểu, môn này trong năm hoạt động 2016 có tiền cấp từ Tổng cục TDTT dành làm chi phí hoạt động là 30.000 USD (gần 700 triệu đồng). Cầu lông có Tiến Minh và Vũ Thị Trang lúc này được dự nhiều giải quốc tế nhất. Đây là môn được người hâm mộ chú ý nhiều. Năm hoạt động 2016, tiền mà cầu lông được phân bổ làm ngân quỹ hoạt động từ Tổng cục TDTT khoảng 50.000 USD. Quần vợt có nhóm Hoàng Nam, Hoàng Thiên đang đấu Davids Cup 2016 tại Indonesia. Từng trận đấu (thắng hoặc thua) của họ liên tục được cập nhật kết quả kịp thời đã chứng tỏ giới truyền thông biết được sức hút như thế nào. Ngân sách phân bổ cho môn quần vợt trong một năm cũng chỉ từ 30.000 tới 40.000 USD/năm.
So với các môn như bơi lội, bắn súng, những môn kia có tiền được phân bổ chẳng đáng bao nhiêu. Bơi lội và bắn súng là môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam lúc này. Nhóm môn số 1 nên trong một năm nhận được tiền từ Tổng cục TDTT làm kinh phí hoạt động từ 200.000 đến 250.000 USD.
Trong phân bổ tiền, lãnh đạo ngành thể thao đều dựa trên phân tích và báo cáo chuyên môn từng bộ môn cũng như thực tế năng lực từng môn qua đó quyết định phân bổ tiền cụ thể. Đúng là bóng bàn, cầu lông, quần vợt vẫn tạo được sức hút phong trào rất lớn. Về thi đấu chuyên nghiệp đỉnh cao, ở những môn này, chờ một chiếc HCV VĐTG hay Olympic thì VĐV Việt Nam không làm được. Năng lực của VĐV hiện chỉ đứng tầm Đông Nam Á.
Do đó, bản thân lãnh đạo môn nắm rõ tiền được rót vì sao ít như vậy. Ngành thể thao nhận tiền hàng năm từ nhà nước. Con số chỉ có hạn, không thể chi hàng tỷ đồng cho từng môn. Bơi và bắn súng, dù chỉ ở một số cá nhân cụ thể, về kết quả, VĐV đã có HCV trong giải quan trọng mà ta chờ đợi. Đầu tư tiền tỷ hàng năm cho một Ánh Viên để qua đó bơi lội nước nhà đứng nhất nhì SEA Games, có suất chính thức Olympic, có huy chương quốc tế thì là đầu tư phù hợp, hiệu quả. Bắn súng cũng tương tự.
Khi Lý Hoàng Nam đoạt chức vô địch đôi nam ở giải trẻ Wimbledon 2015, thành tích là cú hích cho quần vợt nước nhà. Chúng ta đã có VĐV được thế giới biết tới, dù còn hạn chế. Dù vậy, đó mới chỉ là sự khởi đầu rất nhỏ và chưa thể thay đổi cả một nền quần vợt vẫn còn yếu của Việt Nam trước đối thủ tại Đông Nam Á thôi chứ chưa nói tới châu Á. Cầu lông sau Tiến Minh đã có nhiều VĐV trẻ được đào tạo ra. Ai trong số họ trưởng thành như đàn anh lại là điều khó lý giải. Với bóng bàn, giải VĐTG là cơ hội cọ xát thực tế đáng quý và VĐV Việt Nam cần nhiều những cơ hội như thế.
Qua một giải đấu, chưa thể nói lên điều gì bởi ở mặt bằng chung, trình độ của bóng bàn Việt Nam vẫn phải trui rèn nhiều. Cái mới nhất ta làm được không phải kết quả thứ hạng mà là đội tuyển trẻ hóa VĐV nhiều hơn trước. Đưa những môn rất được cổ vũ nhưng lại yếu chuyên môn như thế vươn tầm ra quốc tế không dễ. Họ đã có những liên đoàn là tổ chức xã hội làm việc phụ giúp cho Tổng cục TDTT. Phải có nguồn lực xã hội hóa tài trợ mạnh, kế hoạch dành cho VĐV mới có cái để thực thi cụ thể. Tiền ít, kế hoạch nhiều vẫn không phải hướng đi hiệu quả.
NGUYỄN ĐÌNH