Câu chuyện thể thao

Muốn giỏi thì phải... Tự lo

Lặn lội lo thủ tục
Muốn giỏi thì phải... Tự lo

Ở trận tứ kết Thomas Cup khu vực châu Á sáng 25-2, Việt Nam gặp Ấn Độ mà không có Nguyễn Tiến Minh vì anh phải trở về TPHCM để lo hoàn tất thủ tục visa thi đấu ở Anh và Thụy Sĩ.

Càng đi thi đấu nhiều để giữ vững và nâng cao thứ hạng thế giới, Tiến Minh càng khổ vì phải tự thân chạy lo các thủ tục để đi thi đấu quốc tế. Ảnh: Dũng Phương

Càng đi thi đấu nhiều để giữ vững và nâng cao thứ hạng thế giới, Tiến Minh càng khổ vì phải tự thân chạy lo các thủ tục để đi thi đấu quốc tế. Ảnh: Dũng Phương

Lặn lội lo thủ tục

Tiến Minh cho biết: “Nửa đêm về sáng ngày 25-2, tôi phải di chuyển từ địa điểm thi đấu ở Korat về Bangkok và ở sân bay đợi chuyến bay về lại TPHCM. Lúc 10g45 sáng qua, tôi về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì anh trai đón tôi đến ngay Lãnh sự quán Anh để gửi lại hộ chiếu cho họ giải quyết visa, nếu trễ hơn sẽ không kịp cho tôi đi Anh vào tối 6-3 để dự giải All England khai diễn ngày 10-3.

Thủ tục xin visa đi Anh qua nhiều bước, trong đó có việc tôi và chuyên gia Asep Suharno phải gặp đại diện Đại sứ quán Anh ở Hà Nội để họ phỏng vấn, rồi nộp hộ chiếu cho họ cấp visa. Thực tế, tôi và ông Asep ra Hà Nội từ trước tết, nhưng phải đem hộ chiếu về để đi Thái Lan dự Thomas Cup, rồi lại kẹt do các cơ quan nghỉ tết. Vì vậy, ngày 25-2 là hạn cuối chúng tôi phải gửi hộ chiếu cho phía Anh thì mới có visa trước ngày 6-3”.

Trước thắc mắc của SGGP Thể Thao: “Vì sao Tiến Minh không tiến hành mọi thủ tục sớm hơn để không mắc kẹt với dịp tết và Thomas Cup?”, anh thật thà trả lời: “Tôi muốn ông Asep đi cùng nhằm đạt kết quả tốt hơn tại giải All Enngland và Thụy Sĩ Super Series, mà đầu tháng 2-2010 ông ấy mới đến TPHCM rồi lại cần thời gian đề xuất với ngành TDTT thành phố cho ông ấy xuất ngoại”.

Vì thế, Tiến Minh lại im lặng… chịu khổ vì “đoạn trường” thủ tục, nhưng gia đình anh không yên tâm, như ông Nguyễn Văn Thức (cha anh) thổ lộ: “Cháu du đấu nhằm cải thiện thành tích, giờ lại mất nhiều thời gian cho chuyện chạy thủ tục nên khó tập trung tối đa cho tập luyện”. Mà chuyện thủ tục nhiêu khê còn cả tỷ việc để kể, ví dụ chuyện điền giấy tờ bằng tiếng Anh trước đây do bà Huỳnh Ngọc Liên hỗ trợ, bây giờ Tiến Minh tự… bơi!

Vấn đề của cả ngành

Khi Tiến Minh gặp khó, mới bộc lộ vấn đề của ngành TDTT nói chung và cầu lông nói riêng là chưa có bộ phận đảm trách mọi thủ tục khi VĐV thi đấu nước ngoài, mà thủ tục ở đây không chỉ là đăng ký thi đấu với BTC.

Sau sự cố cầu lông Việt Nam và TPHCM không kịp đăng ký khiến Tiến Minh “lỗi hẹn” với giải All England và Thụy Sĩ Super Series hồi năm 2009, dù đã rút khỏi Liên đoàn cầu lông TPHCM, nhưng bà Huỳnh Ngọc Liên vẫn phải tiếp tục thực hiện các thủ tục và công tác đối ngoại cho Tiến Minh lẫn đội tuyển cầu lông Việt Nam dự các giải quốc tế.

Thậm chí, hồi tháng 7-2009, cả thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam lẫn TPHCM đều không đăng ký được bằng fax cho đoàn VĐV thành phố thi đấu nước ngoài, thì vướng mắc ấy lại chuyển đến tay bà Liên và sự việc lại được thu xếp ổn thỏa. Sau sự vụ này, bà Huỳnh Ngọc Liên phải trở lại “chiến trường” trong tình trạng không hề có chức danh gì ở Liên đoàn cầu lông của cả Việt Nam lẫn TPHCM.

Nhắc lại chuyện cũ, càng hiểu chuyện có một tay vợt hiện hạng 8 trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới không đồng nghĩa là nền thể thao ấy có một hệ thống vận hành chuyên nghiệp. Vì thế, chuyện một VĐV càng giỏi (như Tiến Minh) thì càng khổ vì phải tự lo cho chính bản thân mình thì đúng là chỉ có ở Việt Nam.

Thục Oanh ( SGGP Thể Thao)

Tin cùng chuyên mục