Mua xong rồi bán cho ai?

Giới truyền hình đang nóng lên việc các giải quần vợt thuộc hệ thống ATP World Tour Series do Hiệp hội quần vợt nhà nghề thế giới (ATP) tổ chức trong ba mùa giải 2016-2018 đã được một đơn vị truyền hình số vệ tinh tại Việt Nam mua bản quyền đồng thời sẽ độc quyền phát tại Việt Nam. Với môn quần vợt quốc nội nói riêng, câu chuyện bản quyền truyền hình vẫn là ước mơ cho nhà quản lý…

Giới truyền hình đang nóng lên việc các giải quần vợt thuộc hệ thống ATP World Tour Series do Hiệp hội quần vợt nhà nghề thế giới (ATP) tổ chức trong ba mùa giải 2016-2018 đã được một đơn vị truyền hình số vệ tinh tại Việt Nam mua bản quyền đồng thời sẽ độc quyền phát tại Việt Nam. Với môn quần vợt quốc nội nói riêng, câu chuyện bản quyền truyền hình vẫn là ước mơ cho nhà quản lý…

Chờ, nhưng ít người mua

Giai đoạn cách đây 5 năm, truyền hình AVG khi ra mắt đã lập kế hoạch mua bản quyền truyền hình để “thống lĩnh” phát sóng các giải thi đấu của các môn thể thao ở Việt Nam. Quần vợt là môn cũng được chào giá để bán bản quyền truyền hình. Trao đổi với Trưởng bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) – ông Đoàn Quốc Cường được biết “khi ấy, chúng tôi đã không ký hợp đồng bản quyền truyền hình với nhà đài trên. Theo tôi nhớ, mức phí họ đưa ra không cao chỉ dưới 50 triệu đồng/năm. Một trong những nguyên do không đi tới ký kết dù các bên có ngồi làm việc là chi trả quá thấp”. Ở thời điểm đó, không riêng môn quần vợt mà nhiều môn thể thao khác dù cũng được bàn tới bán bản quyền truyền hình nhưng đều khước từ vì chi trả nhận lại thấp.

Ông Cường chia sẻ thêm, hiện tại các giải đấu của quần vợt Việt Nam nằm trong hệ thống thi đấu do Tổng cục TDTT và Liên đoàn quần vợt Việt Nam tổ chức không có giải nào bán bản quyền truyền hình cũng như chưa có đơn vị truyền hình nào mua bản quyền truyền hình để làm trực tiếp. Gần nhất khoảng 2 năm liên tiếp trước đây, một kênh thuộc truyền hình cáp của đài truyền hình Việt Nam có trả phí bản quyền để sản xuất và trực tiếp một số giải (trong đó có giải VĐQG). Tuy nhiên, hợp đồng (theo tìm hiểu lên tới hàng trăm triệu đồng) chỉ ký kết trong giải đấu cụ thể chứ không trong cả năm. Sau 5 năm, trong thời điểm hiện tại, bản quyền của môn quần vợt vẫn đang… ế.

Trong năm 2015, Lý Hoàng Nam là tay vợt rất được người mê quần vợt muốn tận mắt theo dõi thi đấu nhưng đã không thi đấu giải VĐQG tổ chức ở Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: T.L

Trên thực tế, số người thích xem quần vợt quốc tế khá đông đảo và rộng khắp nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đó là lý do vì sao, sau bóng đá, bản quyền truyền hình các giải quần vợt thuộc hệ thống ATP World Tour Series lại được các nhà đài ở Việt Nam chú ý. Quần vợt quốc nội có các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia đều đặn hàng năm nhưng sự mặn mà với bản quyền truyền hình lại ít đơn vị quan tâm. Cho dù, nhà quản lý của môn quần vợt (Tổng cục TDTT) khẳng định nếu có đơn vị nào muốn đàm phán mua bản quyền để sản xuất và phát sóng các giải trong nước thì luôn được rộng cửa chào đón.

Vắng ngôi sao làm sao có lợi nhuận

Các giải quần vợt thuộc hệ thống thi đấu quốc gia hiện tại vẫn mở cửa miễn phí cho người xem. Tuy nhiên, lượng khán giả vào sân theo dõi thường không đông. Thực trạng ấy được thấy rõ nhất qua giải VĐQG hay thi đấu môn quần vợt tại Đại hội TDTT toàn quốc. Một cắc cớ từng được đưa ra rằng phải chăng vì thiếu ngôi sao tham dự nên nhiều khi giải VĐQG vắng khán giả? Điển hình trong năm 2015 này, Lý Hoàng Nam là tay vợt rất được người mê quần vợt muốn tận mắt theo dõi thi đấu nhưng đã không thi đấu giải VĐQG tổ chức ở Mỹ Đình (Hà Nội). Tuy vậy, khi Hoàng Nam thi đấu giải trẻ Wimbledon 2015 tại Anh, các nhà đài phải cất công có được sóng trực tiếp trận đấu của tay vợt này để phục vụ sự háo hức theo dõi của người hâm mộ quê nhà.

Bản quyền truyền hình của môn thể thao có giá trị và được tăng dần khi môn thể thao đó có VĐV tên tuổi thi đấu. Quần vợt cũng như vậy. Các nhà đài có thể mua bản quyền trực tiếp nhưng là khi giải phải có tay vợt nổi tiếng mọi người đều biết tham gia thi đấu. Giải chỉ toàn VĐV trẻ, ít tên tuổi thi đấu thì khó được quan tâm. Có VĐV tên tuổi trên sóng, quảng cáo mới có để bù lại chi phí sản xuất và tiền bản quyền truyền hình. Tiếc rằng ở chúng ta, trong từng khâu riêng lẻ chưa thể hoàn thiện thì các mắt xích không nối kết tốt được thành một sự vận hành hoàn hảo. Vì thế, bản quyền truyền hình quần vợt quốc nội vẫn chỉ là bàn thảo và chắc chưa thể cải thiện một sớm một chiều.


NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục