Môi trường ô nhiễm

Khi mà Công Phượng tỏa sáng ghi bàn đẹp như mơ vào lưới U.19 Australia, chúng tôi lại nhớ đến Lee Nguyễn. Hai thế hệ với xuất phát và đào tạo khác nhau, nhưng cả hai đều có phẩm chất kỹ thuật để có thể tạo đột biến cho trận đấu. Sự nhắc nhớ ấy khiến mọi người đâm lo cho Công Phượng khi biết đâu mùa bóng tới anh được tung vào đá cho giải đấu “danh giá” nhất Việt Nam là V-League.

Cạn kiệt quyết tâm cống hiến cho bóng đá quê hương, cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn rời V-League với một thể trạng đầy “thương tích” mà không nhận được một lời chia tay an ủi nào. Lúc anh về được chào đón bao nhiêu thì khi ra đi ngược lại bấy nhiêu. Âu đó cũng là thân phận của một cầu thủ chuyên nghiệp nên không nghe Lee Nguyễn than thở gì. Rồi bẵng đi một thời gian ngắn, khán giả Việt Nam lại được chứng kiến một Lee Nguyễn trở thành ngôi sao thực sự ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS).

Đến tại thời điểm này, trong màu áo CLB New England Revolution, Lee Nguyễn ghi được 12 bàn, 3 pha kiến tạo thành bàn trong 24 trận ra sân của mùa giải năm nay, xếp trên thành tích của những hảo thủ như Donavan, Robbie Keane, Clint Demsey và cả… Thierry Henry. Còn HLV Klinsmann của tuyển Mỹ thì cho rằng một trong những sự thiếu vắng đáng tiếc nhất của tuyển Mỹ ở World Cup vừa rồi chính là Lee Nguyễn. Lee Nguyễn có thuốc tiên hay ở Mỹ anh gặp đúng thầy? Thôi thì tạm thời chấp nhận ý kiến vui của một khán giả rằng do trình độ V-League quá cao so với giải MLS mà thôi.

Về “cậu em” Công Phượng, không ai nghi ngờ khả năng kỹ thuật của một tiền đạo được đào tạo bài bản như em. Cho đến nay, khán giả có thể đã chứng kiến gần chục trận có Công Phượng thi đấu. Nếu không đề cập đến mặt tuổi tác, cái thiếu duy nhất của Công Phượng hiện nay là chưa từng chơi ở… V-League.

Theo định hướng trước đây, sau khi ra trường, dạng cầu thủ như Công Phượng có thể dễ dàng được chuyển nhượng sang thi đấu nước ngoài bởi uy tín của thương hiệu Arsenal. Người hâm mộ rất mừng bởi cầu thủ vừa thi đấu ở các CLB nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm giúp ích cho đội tuyển quốc gia khi cần, vừa nở mày nở mặt cho bóng đá Việt Nam. Nay, nghe đâu Công Phượng và các bạn đồng môn sẽ được đưa vào đá V-League ngay mùa tới để… bổ sung cái “thiếu” của lứa cầu thủ này. Vậy nên chưa vui đã phải lo.

Ai cũng khen Công Phượng trả lời báo chí rất tự tin khi cho rằng không sợ vấp ngã vì được giáo dục đầy đủ. Tự tin là đúng nhưng việc được học tập trong quá trình đào tạo mới chỉ là nền tảng. Nền vững giúp chống chọi phong ba bão táp tốt hơn nhưng không có nghĩa là có thể đứng vững trước mọi thứ.

Với bóng đá, môi trường thi đấu quan trọng không kém trong việc tác động tích cực hay tiêu cực đến khả năng và đạo đức cầu thủ. Đá V-League có thể là thử thách lớn nhất bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của những cầu thủ như Công Phượng. Có được môi trường tốt để cọ xát là rất quý, nhưng ai cũng lo bởi môi trường V-League lâu nay luôn được xem là nơi “ô nhiễm” nặng, nặng đến nỗi không ít cầu thủ từng trải nhiều môi trường khác nhau rồi cũng “gục ngã” như Lee Nguyễn thì lứa Công Phượng, Đông Triều, Văn Toàn sẽ thể hiện ra sao?

Vì vậy, thành hay bại của lứa cầu thủ này không còn riêng trách nhiệm cá nhân họ nữa mà của cả VFF, nơi có trách nhiệm chính trong sự xuống cấp của V-League nhiều năm qua.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục