Mổ xẻ các vấn đề thực tại để thể thao Việt Nam tìm sự thay đổi

Ngành thể thao đã có cuộc làm việc nội bộ vừa qua từ đó đưa ra các vấn đề để nhà quản lý và giới chuyên môn nhìn nhận thực tại vấn đề rồi làm sao có những sự thay đổi, chiến lược phù hợp hướng tới phát triển tốt nhất.
Thể thao Việt Nam phải giải quyết nhanh các công việc để sớm bắt tay vào công tác chuẩn bị chuyên môn cho chương trình mới. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Thể thao Việt Nam phải giải quyết nhanh các công việc để sớm bắt tay vào công tác chuẩn bị chuyên môn cho chương trình mới. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Cuộc họp làm việc nội bộ giao ban của Cục TDTT diễn ra ngày 30-10 được xem chính là cuộc làm việc cụ thể nhất mà tất cả nhà quản lý từ Bộ VH-TT-DL (đại diện là Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương), Cục TDTT (đại diện là Cục trưởng Đặng Hà Việt) cùng các đơn vị chức năng, các Phòng thể thao thành tích cao 1, 2, Phòng thể thao quần chúng (Cục TDTT), Trung tâm Huấn luyện TTQG Hà Nội, Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình... tham dự từ sau ASIAD 19 và Para Games 2023. Qua tìm hiểu, cuộc làm việc kéo dài tới buổi tối cùng ngày mới khép lại. Những vấn đề cụ thể nhất mà ngành thể thao đang gặp phải được đưa ra phân tích, làm việc cụ thể đơn cử như sự vụ của đội bóng bàn trẻ quốc gia đã được công luận phản ánh thời gian qua hay công tác chuyên môn thi đấu tại ASIAD 19, ASIAN Para Games 2023, các vấn đề của Liên đoàn, Hiệp hội...

Đưa ra vấn đề chính là để nhà quản lý cùng những người có trách nhiệm nhìn thẳng vào vấn đề để thấy thực tại, có sự giải quyết cụ thể, thấu đáo. Nhưng rõ ràng, việc giải quyết dứt điểm từng sự vụ, sự việc cần phải thực hiện nhanh chóng và có kết quả chứ không đơn giản chỉ đưa ra mổ xẻ phân tích, ghi nhận các ý kiến rồi cách tiến hành là không dứt khoát. Thể thao Việt Nam có những nhiệm vụ quan trọng đối với các chương trình dành cho thành tích cao, dành cho thể thao mọi người và sự định hướng phát triển chung về các môn thể thao, những chương trình trong quản lý. Như ý kiến của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh từng chia sẻ ngay sau ASIAD 19 đó là ngay khi chúng ta tổng kết xong về kết quả của giải đấu, nhìn lại việc thi đấu thì đưa ra được giải pháp rồi thực hiện mục tiêu cụ thể về kế hoạch đầu tư. Chỉ có như thế, quãng thời gian chuẩn bị không bị ảnh hưởng.

Từ cuộc làm việc trên, nhiều vấn đề đã được đưa ra, và trên hết vẫn nằm ở cách xử lý công việc đúng con người, đúng sự vụ. Thể thao Việt Nam có những thành công tích cực trong một năm hoạt động, trong thành tích thi đấu các giải quốc tế ở một số môn tại năm 2023. Nhưng với đấu trường SEA Games 32 và ASIAD 19 thì chúng ta đã và đang rút những kinh nghiệm cụ thể (dù có những nội dung, môn thi đấu đạt kết quả tốt). Được biết sau cuộc họp giao ban ngày 30-10, nhà quản lý sẽ có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn ở công tác quản lý chuyên môn thời gian tới. Trên hết, phương thức quản lý vẫn là giám sát chặt chẽ để đảm bảo tốt nhất yêu cầu công việc, thành tích và cả chế độ dành cho HLV, VĐV đúng quy định đề ra. Bài toán thay đổi về việc đầu tư, xây dựng lực lượng mới khi chúng ta có thực tế kết quả từ thi đấu ASIAD 19 và ASIAN Para Games 2023 là một đề bài không dễ giải nhưng không thể không làm.

Tin cùng chuyên mục