1. “Vụ án” Ngọc Hải - Anh Khoa cuối cùng đã khép lại, không phải vì nó đã kết thúc như cách nó bắt đầu mà vì sự tích cực trong thái độ của 2 cầu thủ, những người thực sự là một nạn nhân của “trò đùa dai” của những “người lớn”.
Chúng tôi gọi đó là “trò đùa” bởi diễn biến của nó không có gì giống một câu chuyện nghiêm túc. Từ một quyết định sai luật cho đến sự cam chịu đến mức khó tin của Quế Ngọc Hải và cuối cùng là màn trao tiền không giống bất kỳ giao dịch hành chính nào. Suốt quá trình đó, không hề thấy những người đã ra quyết định tai hại ấy tham gia vào bất kỳ tình huống giải quyết nào của đôi bên. Thậm chí, cũng chẳng thấy VFF đến thăm người bị hại cũng như chứng kiến Quế Ngọc Hải thực hiện phán quyết của mình.

Cảnh giao tiền đầy phản cảm và vai trò của VFF đang ở đâu? Ảnh: T.L
Có lẽ đến lúc này, sau khi 2 cầu thủ đã chủ động giải quyết với nhau xong, chúng ta không bàn thêm về chuyện tại sao? Vì cái gì mà VFF đưa ra quyết định ấy. Điều đọng lại chính là VFF đã làm gì với quyết định của mình. Những người ra quyết định ấy chắc chắn biết số tiền hơn 800 triệu đồng ấy rất lớn. Họ cũng biết để tốn chừng đó tiền để chữa trị cũng đồng nghĩa với việc cơ thể và sự nghiệp của Anh Khoa bị đe dọa như thế nào. Sự tổn thất của 2 cầu thủ là không dễ gì bù đắp được nhưng cứ xem sự im lặng của VFF trong toàn bộ quá trình để thấy họ thờ ơ đến mức độ nào, ở tư cách của một con người. Và là "người lớn”.
2. So sánh thì khập khiễng nhưng liệu có cái gì bất nhẫn không khi những lãnh đạo cao nhất của VFF sẵn sàng đến sân xem mọi trận đấu của một đội U.19, nhảy cẫng, giơ tay hết cỡ để ăn mừng trong khi việc đến thăm một cầu thủ chịu chấn thương nặng trong một vụ việc gây sốc, lại không thể làm, chí ít là ở tư cách của bậc Cha-Chú chứ chưa nói đến vai trò của lãnh đạo, nhà quản lý. Xin nhắc lại, Ngọc Hải – Anh Khoa câm lặng chấp hành quyết định của VFF chỉ vì họ nghĩ đơn giản: mình chịu sự quản lý của người ta thì phải chấp hành (thực tế pháp lý thì chưa hẳn vậy). VFF thẳng tay ra quyết định cũng bởi đơn giản họ xem các cầu thủ là thành viên chịu sự chi phối của mình. Vậy thì tại sao chỉ thể hiện một sự quan tâm đúng trách nhiệm, lại nhân văn, thì lại không thể làm được?
Trong một nền bóng đá, mọi thành viên đều phải được đối xử như nhau. Cũng không biết được chuyện đến sân để “cổ động các cháu đá bóng đẹp” với chuyện “thăm các cháu bị chấn thương” chuyện nào quan trọng hơn.
3. Bóng đá khác các lĩnh vực lao động khác trong xã hội bởi đa số các cầu thủ đều còn trẻ, những người vừa trưởng thành hoặc vị thành niên. Trong khi đó, lãnh đạo thì thường là bậc Cha – Chú, lại có thêm địa vị xã hội. Mối quan hệ trong bóng đá không chỉ là nhà quản lý và người lao động, còn là chuyện người lớn – trẻ con. Điều này cho thấy, việc tham gia điều hành nền bóng đá ngoài uy tín, năng lực còn phải có khả năng giáo dục con người và tư cách đạo đức. Trong quá trình tập luyện và thi đấu, cầu thủ một tiếng Thầy, hai tiếng Chú – Bác, thân phận của họ chịu sự lệ thuộc và thấp bé hơn nhiều những nhà quản lý. Đấy là lý do mà khi cầu thủ hư hỏng, nền bóng đá chịu nhiều khuyết tật, người ta vẫn nói đó hoàn toàn là lỗi của người lớn.
Hồ Việt